Sống 'sạch - xanh' trên mạng xã hội: Không để thuật toán 'thao túng' tâm lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TikTok chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 4/2019, bắt đầu phát triển mạnh trong dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng.
Không ít người trẻ dùng mạng xã hội 7h/ngày. (Ảnh minh họa: Internet)
Không ít người trẻ dùng mạng xã hội 7h/ngày. (Ảnh minh họa: Internet)

Từ giải trí, vui nhộn đến nhảm nhí

Là một nền tảng mạng xã hội trình làng sau Facebook, Instagram, YouTube… nhưng TikTok lại len lỏi nhanh vào đời sống giới trẻ hiện nay nhờ thuật toán “gây nghiện”. Đây là công cụ xử lý thông tin được sử dụng để phân tích hành vi của người dùng trên nền tảng và cung cấp cho họ những nội dung được cá nhân hóa dựa trên sở thích và tương tác trước đó.

Cùng với những nội dung chia sẻ kiến thức, cuộc sống, góc nhìn bổ ích thì phần lớn nội dung trên TikTok được cho là độc hại với người dùng. Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do chia sẻ với báo chí, từ đợt dịch COVID-19, nhiều người ở nhà đã góp phần thúc đẩy đăng ký của TikTok và nền tảng này thực sự bùng nổ, phát triển mạnh vào năm 2021.

Theo ông Lê Quang Tự Do, khác với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Thuật toán này ưu tiên đưa bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành trào lưu.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chỉ ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam. Những vi phạm này của TikTok đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới người dùng, tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, từ năm 2022 trở lại đây, trên nền tảng này xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Hiện, Bộ TT&TT đã lập kế hoạch kiểm tra với các nội dung về quản lý nội dung TikTok. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ kiểm tra về các hoạt động quảng cáo; kiểm tra về quản lý thần tượng (idol); qua đó làm rõ hiện tượng người sáng tạo nội dung nhưng làm những nội dung phản cảm, giật gân, thậm chí vi phạm pháp luật để nhận được những donate (quà) có đúng quy định pháp luật không…

Không chỉ với trẻ em, ngay cả những người lớn có đầy đủ năng lực tư duy và nhận thức cũng có thể bị “thao túng tâm lý”. Người xem dần bị lệ thuộc vào mạng xã hội ảo mà bỏ bê cuộc sống đời thực, không cố gắng phát triển bản thân. Do đó, người dùng TikTok cần cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, chọn lọc thông tin tiếp cận để tránh những tác động tiêu cực không đáng có đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang cấm ứng dụng này vì lo ngại về rủi ro an ninh mạng. Tính đến nay, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên, gồm: Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.

Sự lan tỏa quá nhanh của TikTok như con dao hai lưỡi với không ít người dùng. Mặc dù mạng xã hội có những quy định về nội dung và thực hiện việc kiểm duyệt hàng triệu video vi phạm nhưng những trào lưu độc hại hoặc thông tin mang tính kích động bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại… vẫn xuất hiện tràn lan mà TikTok không thể kiểm soát.

Các trào lưu trên TikTok ở Việt Nam cũng độc hại không kém so với trên thế giới. Có thể thấy đối tượng sử dụng mạng xã hội TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức, dễ bị thu hút bởi những nội dung mới, lạ, độc, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với chuẩn mực đạo đức. Với thuật toán của TikTok, video càng thu hút nhiều người xem, những nội dung này lại càng được đề xuất, lên xu hướng, rồi nghiễm nhiên trở thành trào lưu.

Hiện tại, TikTok cũng như phần lớn các mạng xã hội ngày nay đều quy định người dùng phải đủ 13 tuổi mới có thể đăng ký và mở tài khoản. Tuy nhiên, các nền tảng này không có biện pháp đủ mạnh để xác định độ tuổi thực của người dùng. Do đó, trẻ em dưới 13 tuổi đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để sử dụng.

Tạm thời, đại diện TikTok cho biết, họ đã bổ sung các biện pháp an toàn và quyền riêng tư mới nhằm bảo vệ người dùng tuổi vị thành niên như tắt các tính năng thông báo vào ban đêm hay loại bỏ nhắn tin trực tiếp với trẻ em.

Giờ đây, mọi người nhìn điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt nhau. (Ảnh minh họa: Internet)

Giờ đây, mọi người nhìn điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt nhau. (Ảnh minh họa: Internet)

Ngay cả người trưởng thành cũng cần tỉnh táo

Theo một phân tích gần đây của DataReportal, TikTok, ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng, đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng đối với những người trưởng thành trên toàn thế giới. Họ phân tích số lượng ước tính người tiêu dùng TikTok từ 18 tuổi trở lên ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Và xác định những địa điểm khu vực mà ứng dụng này phổ biến nhất đối với người trưởng thành.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) của TikTok phân tích dữ liệu người dùng, đoán được người dùng muốn xem gì và gợi ý nội dung, khiến người xem thấy thỏa mãn, dần dần “bị nghiện”.

TikTok lựa chọn video dành cho người dùng dựa vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là tương tác của người dùng, ví dụ người dùng bấm thích hoặc chia sẻ, các tài khoản bạn theo dõi, nhận xét bạn đăng và nội dung bạn tạo. Tiếp theo là thông tin video, bao gồm cả các chi tiết như chú thích, âm thanh và các hashtags; ngôn ngữ bạn đang sử dụng, quốc gia, loại thiết bị...

Ông Vũ Ngọc Sơn phân tích: “Ẩn sau đó là thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích các dữ liệu này để đoán người dùng muốn xem gì tiếp theo, từ đó gợi ý nội dung phù hợp. Để làm được điều này, Tiktok đưa ra những bộ video thử để xem phản ứng của người dùng, thể hiện ở cách người dùng tương tác với video đó, thời gian, số lần người dùng xem lại… Từ những dữ liệu này, AI sẽ tổng hợp và phân loại người dùng thành các nhóm người dùng có sở thích khác nhau”. Cùng với đó, các nền tảng khác như Youtube, Facebook cũng đã áp dụng. Tuy nhiên lợi thế của TikTok chính là thời gian của mỗi clip rất ngắn. Cùng một khoảng thời gian, người dùng xem được nhiều clip trên TikTok hơn trên Youtube, Facebook.

Sau khi phân tích xong, TikTok sẽ thu được nhiều phản ứng của người dùng hơn với cùng một khoảng thời gian để làm đầu vào cho máy học AI. Nói cách khác là AI của TikTok vừa học nhanh vừa chính xác hơn vì dữ liệu đầu vào nhiều hơn. Bởi TikTok có thuật toán triển khai nội dung mới theo cách, mỗi khi một nội dung mới xuất hiện, thuật toán sẽ phân bổ đến một số lượng người nhất định để đo tương tác.

Nếu tỷ lệ người xem thích video cao thì tiếp tục phân phối tới số lượng người đông hơn theo cấp số nhân. Vì vậy, nếu một nội dung càng độc, lạ, câu view thì tốc độ lan truyền càng nhanh. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện những video có nội dung độc hại được lan truyền khó có kiểm soát.

Với sự phát triển của công nghệ BigData và AI, các nền tảng trực tuyến rất dễ để biết người dùng muốn gì, thích gì, từ đó cung cấp những những nội dung họ thích, họ cảm thấy phù hợp, thấy thoả mãn mà gần như người dùng không phải làm gì.

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn cho rằng, một công cụ tốt hay xấu là do người dùng. Tuy nhiên nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cái xấu dễ hơn thì sẽ phải cần kiểm soát, điều chỉnh để tồn tại. Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cần có giải pháp để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của nền tảng này với trẻ em. Trên thực tế, bên cạnh những thông tin tiêu cực, các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội nói chung đều có thông tin tích cực. Nhưng với “tâm lý đám đông”, thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, người sử dụng ngoài phông văn hóa cần có sự tỉnh táo để có thể lọc và tránh xa những độc hại, phản cảm trên các nền tảng mạng xã hội…

Mạng ảo, hậu quả thật

Theo các chuyên gia, TikTok đã tạo ra nhiều trào lưu và xu hướng mới, từ nhảy múa đến trang điểm, thời trang, ẩm thực và nhiều lĩnh vực khác có tác động đến cách giới trẻ trình diễn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Vì vậy, bạn trẻ và người dùng cần tỉnh táo và biết phân định nội dung chất lượng tốt hay xấu độc; xác định đúng sở thích và nhu cầu, năng lực, hoàn cảnh của mình để không gặp phải các vấn đề về tâm lý.

Nhận định về tình trạng gia tăng các ca mắc bệnh trầm cảm ở người trẻ, Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCK.II) Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Điều trị Nghiện chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, mạng ảo đã khiến bệnh trầm cảm của thanh thiếu niên hiện nay trở nên trầm trọng hơn, hay những người bình thường cũng dễ rơi vào trầm cảm.

Đọc thêm