Florence Schulmann luôn lo lắng rằng nếu bà kể lại trải nghiệm của mình: "Tôi đã quá lo họ sẽ không tin tôi." Và đây là lần đầu tiên, Florence Schulmann – một người bán hàng đã nghỉ hưu, hiện đang sống ở quận 11 của Paris (Pháp) - đã chia sẻ câu chuyện của mình dưới tên thật.
"Mẹ tôi đưa tôi vào thế giới bên cạnh một đống xác", bà nói trong câu chuyện kể với AFP về trải nghiệm “sinh ra trong trại tập trung của Đức Quốc xã”.
Không giống như Schulmann, Hana Berger Moran không e ngại kể câu chuyện của mình. Là một người phụ nữ hiền lành nhưng năng động, có cặp kính màu mận to trên khuôn mặt, Berger Moran hiện đang sống ở thị trấn Orinda (bang California, Hoa Kỳ) sau thời gian làm việc ở một công ty công nghệ sinh học.
Giấy khai sinh của cô vẫn được trưng bày tại Đài tưởng niệm trại tập trung Mauthausen ở miền bắc Áo, nơi đăng ký khai sinh của cô.
Những đứa trẻ được sinh ra trong các trại tử thần của Đức Quốc xã, hiện đã 75 tuổi, sẽ là một trong những người cuối cùng có thể làm chứng cho sự khủng khiếp của Holocaust. Ảnh: AFP |
Cũng tại Mỹ, Mark Olsky đang nghỉ hưu ở Chicago sau thời gian dài làm bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Ông không biết ngày chính xác mình được sinh ra, chỉ biết là từ ngày 18 đến 21 tháng Tư, trong một chiếc xe tải chở người trục xuất đến trại Mauthausen.
Cả ba đều sinh năm 1945: Schulmann vào ngày 24/3 tại Bergen-Belsen ở miền bắc nước Đức, Berger Moran vào ngày 12/4 tại tiểu khu Freiberg ở miền đông nước Đức.
Tất cả các bà mẹ của họ đã bị trục xuất trong khi mang thai: mẹ của Schulmann và Olsky từ Ba Lan còn mẹ của Berger Moran từ Tiệp Khắc.
Là trẻ sơ sinh khi các trại được giải phóng, ba ông bà già 75 tuổi giờ đây chắc chắn sẽ là một trong những người cuối cùng có thể làm chứng cho nỗi kinh hoàng không thể kể xiết của Holocaust - đã cướp đi sinh mạng của sáu triệu người Do Thái.
So với các nạn nhân Do thái khác, ba ông bà có may mắn hơn, vì dù sinh ra trong hoàn cảnh khốc liệt, nhưng khi đó Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối.
Kể từ mùa hè năm 1944, quân đội Liên Xô đã tiến lên từ phía đông và giải phóng từng trại một. Hồng quân đã đến được Auschwitz vào tháng 1/1945.
Hai ngày sau khi được sinh ra, bà Hana Berger Moran và mẹ đã được đưa lên một chuyến tàu đến trại tập trung Mauthausen. |
Sự hoảng loạn và rối loạn sau đó lan rộng qua các trại khác khi giới lãnh đạo Đức Quốc xã bắt đầu lo sợ hậu quả của thất bại, và nhờ vậy một số lính canh đã hành xử theo cách mà họ có thể sẽ không làm được chỉ vài tháng hoặc vài tuần trước đó.
Berger Moran nói rằng, khi những người canh gác trại nhận ra mẹ cô sắp sinh, họ đã mang cho cô một chậu nước đầy.
"Và có một bác sĩ nhi khoa từ Prague đã giúp đỡ đẻ cho mẹ tôi," bà nói.
Hai ngày sau khi bà được sinh ra, Berger Moran và mẹ đã được đưa lên một chuyến tàu đến trại Mauthausen, nơi đăng ký khai sinh cho bà.
Người Đức đã nhồi nhét hơn 2.000 phụ nữ vào chuyến tàu đó. Chuyến tàu đi mất hơn hai tuần, từ ngày 14 đến 29 tháng Tư.
Một nhân viên chữ thập đỏ sau đó đã mô tả cho các nhà sử học sự kinh hoàng của mình trước cảnh tượng những phụ nữ mang thai gầy giơ xương.
Ông cung cấp quần áo cho ba em bé sơ sinh và thức ăn cho mẹ của chúng. Trong số những đứa trẻ sơ sinh đó có Mark Olsky. Mẹ của ông đã cố làm những tên lính bảo vệ cảm động bằng việc nói với chúng rằng ông được sinh vào ngày 20/4 - ngày sinh nhật của Hitler.
Bà Schulmann và những tư liệu về gia đình về Holocaust. |
Khi mẹ của Schulmann chuyển dạ tại thành phố Bergen-Belsen, bà đã mạnh dạn nhờ một nữ bảo vệ lấy chăn khi nước ối bắt đầu vỡ. “Bà tự nói cùng lắm cô ta sẽ bắn một viên đạn vào đầu bà rồi mọi chuyện sẽ kết thúc. Nhưng khi bà đưa cho cô ta một gói thuốc lá, cô ta bảo bà có thể lấy bất cứ thứ gì bà muốn trong trại" – Schulmann nhớ lại
Khi quân Đồng minh giải phóng các trại Mauthausen và Bergen-Belsen, một trong những điều gây sốc đối với họ là những đứa trẻ sơ sinh được bọc trong tờ báo và những bà mẹ suy dinh dưỡng đang cố chăm sóc chúng.
Schulmann, Berger Moran, Olsky và những đứa trẻ khác giống họ là những biểu tượng cảm động về chiến thắng trước cái ác của chủ nghĩa phát xít.
Trước khi bị trục xuất đến các trại, cha mẹ của Schulmann đã ở một trong những khu ổ chuột ở Ba Lan. Con trai đầu của họ được mang đi khi mới chỉ 3 tuổi và bị sát hại trong các phòng khí ngạt.
Thí nghiệm khét tiếng
Một số phụ nữ mang thai trong các trại sau đó đã kể lại việc họ phải ký một mẫu đơn cho phép Đức quốc xã giết chết đứa con của họ. Khoảng 200 ca sinh được ghi nhận chỉ riêng tại trại Bergen-Belsen, nhưng việc phá hủy một số hồ sơ nhất định và sự biến mất của các thi thể khiến không biết có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra trong các trại.
Hồi còn là thanh thiếu niên, cô đã đến thăm một người bạn của mẹ mình ở Tel Aviv (Israel). Khi cô đến, cả khu phố đã tập trung ở đó, “để được chạm vào người sống sót kỳ diệu."
Schulmann và Berger Moran cảm thấy hoàn cảnh ra đời của họ đè nặng lên họ khi lớn lên, trong khi Olsky nói rằng, trong một thời gian dài, ông nghĩ rằng mình là một "trải nghiệm độc đáo".
Nhà báo Alwin Meyer, người đã viết một cuốn sách về những đứa trẻ được sinh ra ở Auschwitz, nghĩ rằng con số này là hàng ngàn.
Hai nữ hộ sinh trong các trại đã từng kể, một số em bé phù hợp với tiêu chí thể chất "Aryan" của Đức quốc xã đã được đưa đến các gia đình Đức nhận nuôi. Những em bé khác đã được trao đổi cho các tù nhân chiến tranh Đức ở phương Tây hoặc ở các nước trung lập. Nhưng hầu hết đã chết, một số em phải chịu các thí nghiệm của bác sĩ khét tiếng Josef Mengele.
Khi trưởng thành vào những năm 1960, Berger Moran di cư sang Israel và sau đó sang Mỹ.
Olsky đến Munich, sau đó đến Israel vào năm 1959 và cuối cùng là tới Mỹ.
“Mẹ tôi đã mất chồng trong trại. Nhưng bà đã tìm cách che chở tôi, để tôi sẽ lớn lên với ít nỗi sợ hãi và lo lắng nhất có thể", Olsky nói.
Lần đầu tiên kể từ năm 1946, buổi lễ kỉ niệm giải phóng trại tập trung Mauthausen sẽ không diễn ra do đại dịch COVID-19. |
Theo một khảo sát của công ty tư vấn Schoen được công bố vào tháng 1/2020, 69% người Pháp dưới 38 tuổi không biết số người Do Thái bị giết trong Holocaust.
Phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kỷ niệm ngày giải phóng Auschwitz hồi đầu năm nay, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã kêu gọi suy ngẫm về câu hỏi "làm thế nào để truyền lại hồi ức Holocaust cho các thế hệ sau?”.
Cuối cùng, "những đứa trẻ từ các trại tập trung" đã đưa câu chuyện của họ lên video.
Ngay cả Schulmann gần đây đã quyết định thực hiện bước này, "để câu chuyện của tôi sẽ không bị tranh cãi bởi các nhà sử học," bà nói.
Berger Moran và Olsky đã lên kế hoạch ở Áo để kỷ niệm 75 năm giải phóng trại vào ngày 10/5, nhưng lần đầu tiên kể từ năm 1946, sự kiện này sẽ không diễn ra vì đại dịch COVID-19.
Thay vào đó, một buổi lễ trực tuyến sẽ được tổ chức, để giáo dục thế hệ tiếp theo và gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vấn đề hiện tại.
"Chúng tôi là những người cuối cùng và tốt nhất chúng tôi nên làm cho thông điệp đó trở nên mạnh mẽ bởi vì sau khi chúng tôi đi, liệu có ai còn nhờ không?", Berger Moran đặt câu hỏi.