Theo AFP, trong tuyên bố ngày 12/4, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết nước này không trả được tất cả các nghĩa vụ nợ nước ngoài, bao gồm cả các khoản vay từ các chính phủ nước ngoài, trước khi nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp như là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng tài chính ngày càng xấu đi", thông báo từ Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết.
Bộ trên cho biết thêm, các chủ nợ được tự do tận dụng bất kỳ khoản thanh toán lãi suất nào đến hạn hoặc lựa chọn hoàn vốn bằng đồng rupee của Sri Lanka.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka bắt đầu với việc không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, sau khi đại dịch COVID-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng từ du lịch và kiều hối.
Chính phủ Sri Lanka đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi để bảo tồn dự trữ ngoại tệ của mình và sử dụng số ngoại tệ dự trữ đó để trả các khoản nợ hiện đã vỡ nợ.
Các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều năm vay nợ tích lũy và việc cắt giảm thuế không khéo léo.
Thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập vào năm 1948 đang khiến 22 triệu người của đất nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, cùng với tình trạng mất điện kéo dài hàng ngày.
Các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đã hạ xếp hạng của Sri Lanka vào năm ngoái, ngăn chặn hiệu quả việc nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để tăng các khoản vay mới.
Dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng.