Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rộng rãi tại dinh thự chính thức của ông ở Colombo hôm 6/6 rằng, ông sẽ hoàn thành hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của mình bất chấp các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài nhiều tháng kêu gọi lật đổ ông.
Ông khẳng định không tái tranh cử vì tập trung vào việc khắc phục tình trạng lộn xộn tài chính khiến Sri Lanka rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Đây là lần đầu tiên ông Rajapaksa làm việc với một tổ chức truyền thông nước ngoài kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
Thách thức xuất hiện khi Tổng thống phải đối mặt với khẩu hiệu “Gota Go Home”, với những người biểu tình đổ lỗi cho ông và gia đình về những quyết định khiến Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng mọi thứ từ nhiên liệu đến thuốc men, lạm phát lên tới 40% và buộc phải vỡ nợ lịch sử.
Người Sri Lanka biểu tình ở Colombo, Sri Lanka, Thứ Sáu, ngày 13/5/2022, yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajakasa từ chức và phản đối việc bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickeremesinghe. Ảnh: AP |
Hàng nghìn người biểu tình đã cắm trại bên ngoài văn phòng bên bờ biển của Tổng thống kể từ giữa tháng 3, buộc ông phải rút lui về dinh thự chính thức có rào chắn cách đó khoảng một km.
Vòng xoáy kinh tế trở thành bất ổn chính trị với việc anh trai của Tổng thống - ông Mahinda Rajapaksa - từ chức Thủ tướng sau khi các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và những người biểu tình trở nên đẫm máu vào tháng Năm.
Ông Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng mới Ranil Wickremesinghe đang tìm kiếm khoảng 4 tỷ USD viện trợ trong năm nay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đến một ngôi chùa Phật giáo ở Colombo, Sri Lanka ngày 12/5/2022. Ảnh: AP |
Đồng rupee của Sri Lanka đã mất khoảng 82% trong năm qua và Ngân hàng trung ương vào thứ Hai, 6/6, cho thấy khả năng điều chỉnh thêm. Trong khi nợ của quốc gia này ngày càng tăng, trái phiếu được báo giá cao hơn một chút vào 6/6, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Tổng thống Sri Lanka cho biết ông muốn nhân rộng những thành công trước đây của mình khi phục vụ đất nước. Ông Gotabaya Rajapaksa giám sát cơ quan phát triển đô thị và là Bộ trưởng Quốc phòng của Sri Lanka dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa, khi họ chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm vào năm 2009.
Trong bài phỏng vấn, Tổng thống Rajapaksa cũng nhắc lại mục tiêu gây tranh cãi của mình là thúc đẩy thông qua “nông nghiệp tự nhiên”, một động thái ngắn hạn nhằm cấm phân bón hóa học khiến sản lượng cây trồng sụt giảm.
Ông Gotabaya Rajapaksa cũng hoài nghi về sự thành công của một dự kiến sửa đổi hiến pháp, vốn tìm cách kiềm chế quyền hạn của Tổng thống trong hành pháp. Các đề xuất khi được Nội các phê duyệt sẽ thu hồi các quyền lực trên phạm vi rộng của Tổng thống mà Quốc hội đã thông qua ngay sau khi ông Gotabaya Rajapaksa được bầu làm Tổng thống vào năm 2019.
Dự thảo của cái gọi là sửa đổi thứ 21 này trao lại một số quyền hạn cho Quốc hội và khôi phục sự độc lập cho các ủy ban trong quá trình ra quyết định quan trọng.