“Sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc không phải là căn cứ để trừng phạt Bắc Kinh”

(PLVN) - “Sự xuất hiện của virus ở Trung Quốc không thể đóng vai trò là nền tảng cho các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia đó”, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông của RBC hôm thứ Sáu – 15/5.
Ảnh: AP
Ảnh: AP

"Cần phải tìm ra nguyên nhân cụ thể của sự xuất hiện của loại virus này và hiểu lý do tại sao quá trình lây truyền từ người sang người đã bắt đầu và tiếp theo ra sao”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói.

"Cuối cùng, điều này sẽ rất quan trọng để phát triển thuốc chữa và sẽ giúp chúng ta an toàn trước mối đe dọa này, thay vì chỉ nói rằng virus này xuất hiện tại một chợ  ở Trung Quốc và đó là lý do cần phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia đó", Lavrov nói.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Lindsey Graham trước đó đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội, dự kiến sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh "không hợp tác và cung cấp một thông tin đầy đủ về các sự kiện dẫn đến sự bùng nổ của COVID-19."

“Trung Quốc đã thông báo cho thế giới về dịch bệnh ở Vũ Hán hồi cuối tháng 12/2019, các tuyên bố trừng phạt Bắc Kinh vì cố che giấu thông tin về đại dịch đơn giản là sai”, ông Sergei Lavrov nói thêm. 

"Mọi người đều biết về những gì xảy ra vào cuối tháng 12/2019, khi họ chắc chắn rằng đây thực sự là một dịch bệnh. Vào tháng 1/2020, các chuyên gia đã tham gia vào các cuộc thảo luận về nó, đặc biệt là dưới sự bảo trợ của WHO. Đầu tháng 2, các chuyên gia của WHO đã đến thăm Vũ Hán và trong nhóm đó có một chuyên gia người Nga", Ngoại trưởng Lavrov cho hay, “Do đó, nói rằng người Trung Quốc đã khống chế WHO hoặc WHO không biết hoặc biết nhưng che đậy một số thông tin là sai."

"Tất nhiên, không ai mong đợi những diễn biến này, không mong đợi quy mô của đại dịch như vậy. Tuy nhiên, đây là một tình huống chưa từng có, các hành động phải được thực hiện trong điều kiện khi kinh nghiệm xử lý các đại dịch trước đó là không đủ, do đại dịch này nghiêm trọng hơn nhiều. Và tôi tin rằng các chuyên gia của WHO không nên bị buộc tội vô căn cứ mà phải được hỗ trợ và khuyến khích bằng mọi cách," ông Lavrov chỉ rõ.

"Hơn nữa, hầu hết các nước phương Tây đều có các chuyên gia trong Ban thư ký WHO với số lượng vượt xa chỉ tiêu trung bình mà các quốc gia phương Tây này phải có: các quốc gia phương Tây chiếm một phần ba trong số khoảng 2.100 chuyên gia. Ý, Canada và Úc có 60 người, Trung Quốc có ít hơn 40. Nga có 20. Tôi chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng nếu Trung Quốc hoặc một quốc gia không thuộc phương Tây khác có kế hoạch lạm dụng WHO để thúc đẩy lợi ích ích kỷ của họ, làm sao một nhóm 40 người có thể làm điều đó nếu phải đối mặt với hơn 700 chuyên gia phương Tây?” – ông Lavrov phân tích.

Ông nhấn mạnh rằng phần lớn nhân viên Ban thư ký của WHO là đại diện của các quốc gia phê phán tổ chức này mạnh mẽ nhất, kiểu như "yêu cầu tổ chức này phải gần như đóng cửa hoặc cải tổ triệt để". "Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Ireland, Tây Ban Nha, Úc, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh chiếm hơn 30% của Ban thư ký WHO, gồm các chuyên gia chuyên giải quyết dịch bệnh và làm việc với y tế nói chung", Bộ trưởng nói thêm. 

"Do đó, bây giờ tôi sẽ tập trung vào việc giúp đỡ các chuyên gia, giúp các chuyên gia đưa ra một loại thuốc điều trị, thay vì cố gắng giành được một số lợi thế địa chính trị, bầu cử hoặc các lợi thế khác", Ngoại trưởng Lavrov kết luận.

Vào cuối tháng 12/2019, các quan chức Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự bùng phát của bệnh viêm phổi chưa được biết đến trước đây tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Kể từ đó, các trường hợp nhiễm virux corona chủng mới - được đặt tên là COVID-19 của WHO - đã được ghi nhận mọi nơi trên thế giới.  

Vào ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Theo thống kê mới nhất, hơn 4.543.000 người đã bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới và hơn 303.000 ca tử vong đã được báo cáo. Ngoài ra, cho đến nay, hơn 1.712.000 người đã khỏi bệnh trên toàn cầu.