Sự cố nước sạch sông Đà: Công ty Viwasupco đã quá thiếu trách nhiệm

(PLVN) - Công ty Viwasupco biết rõ nguồn nước đã bị nhiễm dầu, nhưng không hề có động thái báo cáo cơ quan chức năng và tìm hướng giải quyết có hiệu quả mà vẫn cung cấp nước cho người dân như bình thường. Việc này cho thấy đơn vị này đã không làm đúng trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn nước có chất lượng cung cấp tới người dân.
Nguồn nước bị nhiễm dầu thải chảy từ khe núi về kênh dẫn nước vào nhà máy Viwasupco
Nguồn nước bị nhiễm dầu thải chảy từ khe núi về kênh dẫn nước vào nhà máy Viwasupco

Thờ ơ, vô trách nhiệm

Trước hết, trách nhiệm kiểm soát nguồn nước đầu vào là của Cty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Cty Viwasupco). Việc đưa nguồn nước bị ô nhiễm vào sản xuất và cung cấp cho người dân là việc làm hoàn toàn sai trái của Cty Viwasupco.

Trách nhiệm này họ không thể đùn đẩy cho ai được, vì đó là trách nhiệm chính của họ. Chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ vấn đề này và truy cứu trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cty Viwasupco. Giả sử chất ô nhiễm không phải dầu thải mà là một chất độc thì không biết hậu quả sẽ to lớn như thế nào? Lúc đó, liệu lãnh đạo Cty Viwasupco có thể gánh vác nổi hậu quả đó hay không?

Hành vi này thể hiện việc sự vô trách nhiệm của lãnh đạo Cty Viwasupco khi biết nguồn nước nhiễm dầu thải là nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người dân nhưng dường như không có bất kỳ thông báo, biện pháp hạn chế thiệt hại.

Thậm chí, đến khi người dân phản ánh, Cty Viwasupco vẫn cho rằng nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn. Chỉ đến khi cơ quan chức năng TP Hà Nội đưa ra kết quả xét nghiệm nước có hàm lượng chất Styren vượt chuẩn theo quy định thì Cty này mới có các biện pháp khắc phục, ngừng cấp nước, sục rửa đường ống,...

Phải chăng việc ông Tổng giám đốc Viwasupco vẫn khăng khăng khẳng định nước thành phẩm ra khỏi nhà máy “đạt chất lượng” đã nói lên tất cả về người có trách nhiệm lớn nhất của Cty này. Đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm, thậm chí là lừa dối khách hàng, xâm hại sực khoẻ người dân của lãnh đạo Cty.

Nước ngấm dầu tại khu vực suối cung cấp nước cho nhà máy Viwasupco
 Nước ngấm dầu tại khu vực suối cung cấp nước cho nhà máy Viwasupco

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn của Cty Viwasupco, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Ngoài vi phạm điều khoản trên, Cty Viwasupco còn có thể bị xem xét khởi tố theo Điều 237 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”. Bởi lẽ, Cty này đã thấy nguồn nước bị ô nhiễm mà không khắc phục sự cố làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn tiếp tục đưa ra tiêu thụ. 

Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm hình sự của Cty Viwasupco, nhiều ý kiến cho rằng Cty này cũng phải bồi thường thiệt hại xảy ra đối với hàng triệu người dân – là khách hàng của họ. Đây là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường, dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng.

Pháp luật có quy định rõ về trường hợp này. Cụ thể, Điều 608, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. 

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Do vậy, nếu người dân là khách hàng sử dụng nước sạch của Cty Viwasupco mà nước bị nhiễm bẩn không đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng thì có quyền khởi kiện Cty này để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc chứng minh thiệt hại do nguồn nước nhiễm bẩn dựa trên căn cứ như người dân phải nghỉ việc lấy nước, thức đêm chờ nước, mua nước, nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất lao động hay giảm doanh số kinh doanh vì thiếu nước và phải được quy đổi ra số tiền tương ứng, hóa đơn chứng từ…

Trách nhiệm không chỉ của Cty Viwasupco

Khách quan mà nói, việc xảy ra sự cố nước bị ô nhiễm không chỉ là của riêng Cty Viwasupco. Mà còn là của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác. Dưới góc độ pháp lý, trách nhiệm các bên liên quan trong vụ việc này, thì cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với những người đổ trộm chất thải nguy hại vào đầu nguồn nước, hành vi này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến một tỷ đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Trước đó, ngày 18-10, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ khẩn cấp Nguyễn Chương Đại (quê ở Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (quê ở tỉnh Lạng Sơn) liên quan vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà. Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai ngày 6-10 được Lý Đình Vũ thuê lái xe tải đi từ Bắc Ninh đến Cty gạch, gốm sứ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3, sau đó đi về xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe. Ngày 8-10, cả ba người sử dụng hai ôtô chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định hai ôtô nghi vấn liên quan đến vụ án là ôtô tải thuộc Cty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và xe 4 chỗ, chủ xe là Nguyễn Văn Quyền, trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Cơ quan điều tra cũng đã tạm giữ 2 xe ôtô này, đồng thời tiếp tục xác minh truy bắt Lý Đình Vũ. Cơ quan cảnh sát điều tra đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho Hà Nội.

Trước lời khai của các nghi phạm về việc dễ dàng đổ trộm chất bẩn vào nguồn nước, dư luận đang đặt ra vấn đề, liệu có phải việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của chúng ta còn sơ sài, thậm chí là có sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan hữu quan của nhà nước? Điều này dấy lên một mối lo ngại mà trước nay chúng ta ít khi đi đề cập tới. Một yếu tố vô cùng quan trọng đó là đảm bảo an ninh nguồn nước, đầu vào của các nhà máy nước.

Phải chăng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi để nguồn nước bị xâm hại.?. Cũng như việc kiểm soát xử lý chất thải từ cơ sở sản xuất bấy lâu nay đã bị buông lỏng?

Quản lý phải chuẩn

Việc quản lý nguồn nước sinh hoạt nhìn ngoài xem chừng rất chặt chẽ với những quy định và các “ban bệ” đầy đủ từ cơ quan cấp bộ môi trường, y tế, xây dựng cho tới chính quyền địa phương. Song khi xảy ra sự cố thì chẳng thấy một cơ quan hữu trách nào có động thái giải quyết kịp thời từ cảnh báo ngay cho tới có biện pháp cấp bách ổn định cuộc sống người dân.

Cách quản lý kiểu “thân ai nấy lo” cùng sự tắc trách, vô cảm và vô trách nhiệm đã tạo ra những lỗ hổng rất đáng lo ngại trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước sạch cung cấp cho đời sống và sinh hoạt của người dân. Sự cố nước sạch ô nhiễm dầu thải dù nghiêm trọng song nó còn có thể dễ dàng nhận ra ngay nhờ trực giác. Trong trường hợp nếu chất gây ô nhiễm không màu, không mùi, không vị để có thể phát hiện nhờ trực giác con người thì người dân làm sao có biết để không sử dụng. Mối nguy càng nghiêm trọng hơn nếu chất gây ô nhiễm có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Bảo đảm nguồn cung cấp điện, nước, hay dịch vụ thiết yếu như giao thông, y tế… đều được không ít quốc gia trên thế giới xem như là một vấn đề bảo đảm an ninh quan trọng, có chính sách và biện pháp ứng phó tương xứng.

Ở nước ta, việc quản lý cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế không thực hiện được theo đúng các quy chuẩn này, thậm chí quản lý vô cùng lỏng lẻo. Ngoài việc đổ thải gây ô nhiễm mang tính độc hại đó, thực tế vẫn còn một mối nguy hại khác như: Việc tưới tiêu trong nông nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chảy xuống, nếu không xử lý triệt để thì rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước.

Chúng ta cần kiểm tra, quản lý các nguồn cấp nước để sản xuất nước sạch theo quy trình quản lý phải chuẩn. Như ở các nước khác, nơi sản xuất nước sạch cho người dân đều được lắp các cảm biến tự động. Mọi chỉ số đều được đánh giá, công khai hàng ngày cho người dân được biết. Đấy là một cách giám sát hiệu quả, ai cũng biết, nhìn được chỉ số về nơi cung cấp nguồn nước.

Đọc thêm