Nguyên lý hoạt động của điều hòa ô tô
Có hai nguyên tắc cơ bản là hiện tượng thu nhiệt khi một chất lỏng bay hơi và tỏa nhiệt khi nó chuyển từ hơi sang lỏng. Vì vậy, chiếc điều hòa không khí nào cũng có một máy nén, bình ngưng, bình làm khô, van giãn nở nhiệt, máy hóa hơi và “dòng máu” là chất làm lạnh.
Chất làm lạnh là chất lỏng có khả năng bay hơi ở nhiệt độ thấp. Trước kia, ngành công nghiệp điện lạnh sử dụng chất R-12 nhưng do chứa chlorofluorocarbon (CFC) gây thủng tầng ozon nên nó được thay bằng R-134a từ 1996.
|
Dù thời tiết mát thì thỉnh thoảng bạn vẫn nên bật điều hòa. |
Nguyên lý hoạt động có thể tóm gọn thành các bước như sau: Đầu tiên, máy nén, được nối với động cơ thông qua dây cua-roa, hút chất làm lạnh ở thể khí (từ bình chứa gas) rồi nén ở áp suất cao. Khi bị nén, nhiệt độ chất làm lạnh tăng lên và nó được đẩy sang giàn nóng, nằm ở vị trí phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng. Ở giàn nóng, do được tản nhiệt ở áp suất cao nên chất làm lạnh hóa thành thể lỏng và chuyển sang van giãn nở (hoặc van tiết lưu).
Tiếp theo, tại van tiết lưu, áp suất giảm đột ngột nên chất làm lạnh hóa hơi và chuyển tới giàn lạnh. Ở đây, nó lấy nhiệt từ môi trường xung quanh và khiến nhiệt độ giảm xuống. Hơi lạnh sẽ được quạt gió thổi ra môi trường. Gió thổi ta từ giàn lạnh có thể là gió ngoài (làm lạnh ngoài), gió trong ca-bin hoặc cả hai.
Nên bật điều hòa trên ô tô vào mùa đông
Vào mùa đông, trời lạnh, nhiểu tài xế không bật điều hòa trên xe mà chỉ mở hé cửa kính xe, giúp tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn đảm bảo không bị thiếu không khí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô chia sẻ, dù trời có lạnh thì bạn vẫn nên thỉnh thoảng mở điều hoà để đảm bảo cho các thiết bị được hoạt động bình thường.
Vì khi bật điều hòa nước làm mát có thể tuần hoàn khắp hệ thống. Trong các chất làm mát có chứa một loại chất bôi trơn giúp các lót cao su và hệ thống đường ống luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt. Vì thế, không sử dụng máy lạnh xe ô tô trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc nước làm mát sẽ không di chuyển xung quanh và các chất bôi trơn cũng không hoạt động trên các bộ phận cao su. Điều này có thể dẫn đến các lót cao su của đường ống bị rò rỉ và chất làm mát bị cạn dần đi. Dẫn đến việc chiếc xe sẽ phải bổ sung thêm chất làm mát sau đó hoặc nghiêm trọng hơn là phải thay cả bộ lót cao su.
|
Theo các chuyên gia, nhiệt độ trong và ngoài xe không nên quá chênh lệch. |
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia ô tô, khi không sử dụng điều hòa thường xuyên, hơi ẩm sẽ bám vào các ống thông khí gây ra nấm mốc và vi khuẩn. Khi điều hòa được khởi động lại sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng không hoạt động, những vi khuẩn này sẽ được thổi vào trong xe.
Do vậy, nếu thời tiết mát mẻ không cần sử dụng đến điều hòa, bạn vẫn nên thỉnh thoảng bật điều hòa để nước làm mát có thể tuần hoàn khắp hệ thống.
Nhiệt độ trong xe không nên chênh quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời vì như vậy có thể dễ gây ra hiện tượng sốc nhiệt khi từ xe bước ra ngoài. Nên dù trời nóng hay lạnh thì bạn chỉ cần để nhiệt độ sao cho không thấy quá ấm trong mùa đông và lạnh vào mùa hè, mức chênh giữa nhiệt độ trong và ngoài xe chỉ nên từ 3 - 5 độ C.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyên các tài xế, nên tắt điều hòa từ 3-5 phút trước khi xuống xe để cơ thể dần quen với nhiệt độ ngoài trời tránh tình trạng sốc nhiệt do thay đổi môi trường.
Khi lái xe mùa đông, nhiệt độ ngoài trời thấp hoặc trong điều kiện mưa ẩm, khiến lượng hơi nước bên trong xe ngưng tụ bám phía trong kính lái, gây mờ. Vì vậy, theo nguyên lý để kính hết mờ tức phải giải phóng được lượng nước này.
Cách nhanh nhất để hết mờ kính là bật sưởi kính hoặc nếu không có sưởi kính thì bật điều hòa, gió to và chọn chế độ hết gió lên kính.
Sau vài chục giây đến một phút kính sẽ khô hoàn toàn, sau đó điều chỉnh cho hướng gió về cabin, không hất vào kính nữa. Lúc này bật điều hòa, nóng hay lạnh sao cho người trên xe thấy thoải mái là được, kính sẽ không bị mờ nữa.
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng bạn nên hé kính cửa sổ một chút cũng sẽ giúp giảm hiện tượng hơi nước ngưng tụ phía trong xe. Đồng thời cũng giúp tăng khí oxy trong xe tránh tình trạng bị choáng, mệt mỏi cho người ngồi trong xe.