Sự kiện 30/4/1975 qua lời kể của nhà báo Mỹ

(PLO) - Tờ Guardian ngày 21/4/2015 cho rằng sự kiện quân Giải phóng ở miền Bắc giành được quyền kiểm soát Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 đã đánh dấu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. 

Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn
Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn
40 năm sau, nhà báo Martin Woollacott – tác giả của những bài tường thuật về sự kiện lịch sử trên cho tờ Guardian năm nào – có bài viết hồi tưởng lại quang cảnh thành phố giờ đã được đổi tên thành Hồ Chí Minh trong những ngày lịch sử trên.
Một ngày sau khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, thành phố bị đánh thức bởi bài ca chiến thắng. Suốt đêm, những kỹ sư của quân đội chiến thắng đã đặt nhiều loa phóng thanh ở khắp nơi và từ khoảng 5 giờ sáng trở đi, những giai điệu giải phóng đã vang lên không ngừng. 
Ánh mặt trời chiếu sáng những đường phố vắng lặng của Sài Gòn ở thời điểm mà giao thông ở thành phố lẽ ra đã bắt đầu đông đúc. Những người dân tụ tập băn khoăn không biết có nên đi làm hay không, liệu có gì ở chợ để mua hay không, có xăng hay không và cả thắc mắc về việc liệu có một cuộc chiến mới sắp xảy ra hay không.
Rõ ràng, không chỉ cuộc sống thường ngày của Sài Gòn bị phá vỡ mà vai trò thủ đô của thành phố này cũng đã biến mất ngay trong đêm. Các binh sỹ của Sài Gòn đã biến mất và nhiều tướng lĩnh, chính trị gia, công chức trong bộ máy chính quyền này ở thời điểm đó đang lênh đênh trên boong của những chiếc tàu chiến trên biển Đông với những chiếc chăn của Hải quân Mỹ quấn quanh vai. 
Dù đã trải qua tất cả cuộc xung đột nhưng chiến tranh không mấy khi lan đến Sài Gòn, trừ việc thi thoảng xảy ra vài cuộc tấn công bằng rocket, một số vụ đánh bom vào các nhà hàng và một số cuộc tấn công mạnh mẽ nhưng có giới hạn vào thành phố, thực ra là vào Đại sứ quán Mỹ - trong chiến dịch Tết  Mậu Thân 1968. Sài Gòn đã rùng mình vì sự kiện này nhưng đã tránh được điều tồi tệ nhất. 
Và thực tế, khi những giai điệu giải phóng vang lên trên các đường phố, thành phố này lại vừa một lần nữa thoát được những sự kiện tồi tệ. Quân đội miền Bắc đã có sự chuẩn bị nếu gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Do đó, nếu Tướng Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam – không ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí, Sài Gòn có thể sẽ thực sự rơi vào tình trạng rất xấu. 
Trong ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, không có bất cứ người Mỹ nào ở trong đại sứ quán giống như một pháo đài ở Đại lộ Thống Nhất mà chỉ có những mảnh vụn của cuộc sơ tán hỗn độn và tình trạng cướp đồ của ngày hôm trước để lại. Không một bóng người trong tòa thị chính nhỏ được trang trí công phu. 
Cũng chẳng có đại biểu nào trong nhà hát opera cũ của người Pháp vốn được giới chức trong chính quyền cũ dùng làm nơi hội họp. Và cũng chẳng có vị tổng thống nào trong dinh thự tổng thống. Nguyễn Văn Thiệu đã rời khỏi đất nước. Người kế nhiệm của ông ta chỉ tại vị trong vòng 1 tuần trước khi bàn giao lại cho ông Minh. Ông Minh nói với các sỹ quan miền Bắc đã tiến vào dinh tổng thống rằng ông ta đã sẵn sàng bàn giao quyền lực. “Ông không thể từ bỏ thứ mà ông không có” – những sỹ quan nói trước khi đưa ông Minh đi.
TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
TP. Hồ Chí Minh hiện nay. 
Vào ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng tiến vào đầu tiên, với những nòng súng dài, hướng vào trung tâm thành phố và dinh tổng thống. Chiến tranh tàn khốc đã khiến một số xe tăng không còn nòng súng. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc trong số này lùi lại và quay đầu rồi tiến tới bệnh viện cũ của người Pháp. Sau đó, những chiếc xe tăng tiến đến gần cổng dinh tổng thống. 
Khi những người lính mới bước vào, những người lính cũ biến mất. Chúng tôi nhìn thấy một nòng súng đã cố bắn tất cả những quả pháo tín hiệu khi diễu hành, bao gồm màu xanh, đỏ, trắng và lại xanh, trước khi giải tán.
Những người lính mới, mà chúng tôi sau đó biết rằng được gọi là bộ đội, mặc những bộ đồng phục đơn giản hơi mềm, màu xanh và những chiếc mũ cũ kỹ. Họ trông thật nhẹ nhõm: Chiến tranh đã kết thúc, họ không thiệt mạng ngoài chiến trường và đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong một chiến thắng lớn. Vài ngày sau đó sẽ có một cuộc diễu binh, sau đó nhiều người sẽ rời khỏi Sài Gòn. 
Những người ở lại có vẻ khá lịch sự và dường như hơi ngần ngại, nhưng có vẻ được đào tạo khá tốt. Khi một vài người bảo thủ nổ súng về phía các binh lính miền Bắc ở gần một công viên nằm ở giữa dinh tổng thống và nhà thờ, các nhà báo nhìn thấy họ phản ứng gần như ngay lập tức và dẻo dai như múa ballet. Những người lính vừa một phút trước đó đang thơ thẩn hút thuốc đột ngột nằm sấp xuống và bắn trả. 
Việt Nam là một chiến trường chính trị, quân sự và đạo đức trong nhiều năm. Cuộc chiến này trở thành trung tâm chú ý của tất cả mọi người đến mức đôi khi người ta cảm thấy tất cả mọi thứ trên thế giới đều sai và tất cả những thứ có thể sửa chữa thành đúng đều ở đây. 
Do đó, rất nhiều thứ sẽ phải quyết định ở đây: bên cộng sản hay phi cộng sản sẽ nắm vai trò đại diện trên tường quốc tế, liệu các nước phương Tây có tiếp tục thống trị nước cựu thuộc địa hay không, liệu các nước nhỏ có thể đứng dậy chống lại các nước lớn hay không, liệu các lực lượng du kích có thể chiến thắng những quân đội hiện đại hay không. 
Và, liệu một phong trào nổi tiếng, phong trào hòa bình ở chính trung tâm của nước gây chiến, có thể xoay chuyển chính sách của một cường quốc hay không. Những câu hỏi này cho đến nay vẫn khó trả lời như trong ngày Sài Gòn sụp đổ. 
Còn, thực tế rõ ràng duy nhất ở đây là việc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm, một tội ác./.

Đọc thêm