Sự kiện quốc tế quy mô “ao làng” vẫn “sống khỏe”?

(PLVN) - Đã có không ít sự kiện, những cuộc thi được tổ chức dưới cái mác “ngoại”, “quốc tế”, châu lục hay thế giới. Thế nhưng, đằng sau đó là quy mô “ao làng”, với cách tổ chức qua loa, cốt yếu để thu lợi của đơn vị tổ chức. 
Đêm trao giải AAA 2019 hầu như không có phiên dịch, an ninh hỗn loạn và ai tham gia cũng có giải
Đêm trao giải AAA 2019 hầu như không có phiên dịch, an ninh hỗn loạn và ai tham gia cũng có giải

Giá vé trên trời…

Vừa qua, một giải thưởng âm nhạc cấp khu vực, được quảng bá rầm rộ nhưng đã diễn ra trong sự bức xúc của khán giả lẫn rất nhiều nghệ sĩ, đó là giải Nghệ sĩ châu Á 2019 (Asia Artist Awards 2019) diễn ra tại Hà Nội.

Được tung hô là một sự kiện âm nhạc lớn, được mong đợi với nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong lẫn ngoài nước, thế nhưng, giải thưởng này đã trở thành “thảm họa” vì cách tổ chức hết sức “ao làng”, từ cách thức làm sự kiện cho đến cách hành xử, chất lượng, chuyên môn.

Trước khi đêm trao giải diễn ra, ngay ở khâu bán vé đã bị la ó, rối loạn khi mà ban đầu giá vé được đẩy lên đến 5,5 triệu cho vé vip, vài, ba triệu cho những hàng kế tiếp. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày, giá vé đã giảm liên tục với tình trạng đại hạ giá, vé vip mua giảm hơn 2 triệu, các vé khác chỉ còn vài trăm, có dãy còn miễn phí.

Thậm chí, Ban tổ chức (BTC) còn đưa ra chương trình người mua vé hạng thường có thể bỏ ra ít tiền “nâng hạng” lên vé vip. Nghĩa là, những người mua vé vip ban đầu vừa phải xếp hàng, tranh giành theo sự “kích cầu” của BTC, vừa lỗ to.

Chưa hết, mở đầu lễ trao giải, BTC đã khiến khán giả bất ngờ khi đột ngột lùi giờ bắt đầu chương trình ở thời điểm mà khán giả đã có mặt tại trước sân khấu. Theo thông báo ban đầu, thảm đỏ của AAA 2019 sẽ diễn ra lúc 17 giờ, nhưng giờ thông báo mới cập nhật sát chương trình diễn ra là… 18 giờ 40. Thông báo này làm khán giả la ó, xô đẩy nhau, gây ra tình trạng mất trật tự nghiêm trọng trước buổi diễn, nhiều khán giả mất chỗ, phải ngồi khắp nơi.

Những gì diễn ra tại buổi lễ còn chán nản hơn, khi các màn trình diễn như “nồi lẩu thập cẩm”, nửa đầu chương trình hoàn toàn không có phiên dịch tiếng Việt, trước phản đối của khán giả, MC tiếng Việt thi thoảng lại xuất hiện “cho có”. Khi nam diễn viên Quốc Trường lên nhận giải và đang phát biểu, một người đàn ông đeo thẻ BTC còn bất ngờ chạy lên sân khấu đứng cạnh để… selfie trước sự bất ngờ của công chúng.

Cạnh đó, giải thưởng đã trở thành một sự kệch cỡm khi có vài chục giải thưởng lạ lẫm được phát cho tất cả những ai có mặt. Ngoài ra, còn nhiều “hạt sạn” không đếm xuể như đường truyền mờ mịt, cách hành xử coi thường nghệ sĩ Việt, nâng quá mức nghệ sĩ Hàn cũng làm khán giả và nghệ sĩ bức xúc, nhiều khán giả bỏ về nửa chừng. Tại các trang mạng xã hội trong lẫn ngoài nước, khán giả không tiếc lời “ném đá”.  

Khán giả chạy lên sân khấu chụp ảnh khi diễn viên đang phát biểu tại AAA 2019
 Khán giả chạy lên sân khấu chụp ảnh khi diễn viên đang phát biểu tại AAA 2019

Asia Artist Awards (AAA) được quảng bá là một lễ trao giải xuất xứ từ Hàn Quốc nhằm tôn vinh những thành tựu xuất sắc và những đóng góp của các nghệ sỹ châu Á trong truyền hình và âm nhạc. Đây là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức, nhưng với sự tổ chức của Công ty Đông Nam Media, lễ trao giải đã biến thành một cuộc chơi thiếu chuyên nghiệp, đầy tính “ao làng”.

“Thùng rỗng kêu to”!

Đây không phải lần đầu khán giả phải chứng kiến những giải thưởng, cuộc thi hay chương trình quảng bá với những cái tên rất kêu, rút cục chỉ xứng tầm “ao làng” như trên. 

Một giải thưởng có cái tên “hoành tráng” khác cũng xuất phát từ Hàn Quốc là Korean Culture Entertainment Awards. Ban đầu, nhiều nghệ sĩ Việt cũng hăng hái đến Hàn Quốc tham dự, nhận giải, cho đến khi giải thưởng này được chỉ rõ tầm “ao làng” khi chính bản thân truyền thông Hàn Quốc ghẻ lạnh trước giải thưởng này, các trang báo lớn nhỏ, mạng xã hội hầu như không để mắt tới. 

Nhiều nghệ sĩ, người làm trong ngành truyền thông Hàn Quốc còn cho biết “chưa hề nghe đến giải thưởng này”. Một giải thưởng âm nhạc khác, cũng từng bị fan chỉ rõ mang tính “ao làng” là Big Apple Music Awards (BAMA) với nhiều chiêu trò “câu view” và bị ghẻ lạnh tại Việt Nam. Hay Korea Culture Entertainment Award (Ngôi sao châu Á), một giải thưởng diễn ra tại Hàn Quốc, từng vinh danh người mẫu nội y Ngọc Trinh của Việt Nam (!).

Cũng mới đây thôi, ngay tại quận 9, TP HCM, một cuộc thi được đặt cái tên tầm khu vực ASEAN về làm đẹp đáng lẽ đã diễn ra, đã được trao giải và sẽ được quảng bá, nếu như không… bị dẹp bỏ vì tổ chức không phép. Đó là cuộc thi Vinh danh ngành làm đẹp 2019, với các giải thưởng rất kêu như Nữ hoàng, Nam vương đại dương ngành làm đẹp APHCA ASEAN, Lady Beautiful APHCA ASEAN!

Hóa ra, cuộc thi này dù đã chuẩn bị hàng trăm vương miện để trao cho hàng trăm “nam vương”, “nữ hoàng”, hóa ra hễ ai đi thi là có thể mang vương miện về, nhưng cuộc thi vỏn vẹn chỉ có cái back drop trong một nhà hàng hạng trung và hoàn toàn không được cấp phép để tổ chức. Khi cơ quan chức năng đến, BTC đã biến mất, chỉ còn các thí sinh và một người được thuê tổ chức lớ ngớ.

Hay hàng loạt giải thưởng khác mà không ít người đẹp Việt tậu về từ các cuộc thi quốc tế, là nam vương, hoa hậu, á hậu các cuộc thi mang danh châu Á, quốc tế, người Việt tại Mỹ tại châu Âu…

Thực chất chỉ có một công ty truyền thông hoặc người Việt kết hợp công ty giải trí tư nhân nước ngoài đứng ra tổ chức với tên thật kêu (vì luật không cấm đặt tên kêu). Để rồi, những khán giả, những người trong ngành không hề thiếu tỉnh táo, không hề mờ mắt bởi những danh xưng hoành tráng, vẫn chỉ mặt, đặt tên “ao làng”. 

Đạo diễn Lê Hoàng: 

Qua theo dõi nhiều cuộc thi hoa hậu doanh nhân hiện nay, tôi nhận thấy có một mô tuýp chung là: Một đơn vị, hay một công ty nào đó sẽ đứng ra xin giấy phép tổ chức, sau đó kêu gọi những người phụ nữ giàu có, thích khoe khoang, sĩ diện với mọi người tham gia. Và chắc chắn một điều là những người được mời tham gia sẽ có giải.

Còn giải thưởng như thế nào là phụ thuộc vào số tiền họ đóng. Nhu cầu kinh doanh sắc đẹp ngày nay đang nở rộ, bản thân tôi cũng rất yêu cái đẹp, tuy nhiên, tôi mong muốn mọi người phải tự biết bản thân mình, nếu thực sự đẹp thì hãy đến với các cuộc thi nhan sắc, chứ không cứ bám lấy mấy cuộc thi “ao làng” thì sẽ chỉ làm trò cười cho mọi người.

Diễn viên Phan Như Thảo từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2012: 

Chưa bao giờ tôi muốn sử dụng danh hiệu đó trong sự nghiệp của mình từ khi có được nó, vì với tôi, đó không phải niềm tự hào mà đó là sự thất bại và một chút sai lầm. Thật sự tôi cảm thấy xấu hổ về việc mình từng là một thí sinh và đoạt giải Á hậu trong cuộc thi ấy. Tôi hy vọng mọi người sẽ quên đi và cũng mong muốn đừng có ai ghép tôi vào danh hiệu này. 

N.Mai (ghi)