Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Trưởng BCĐ TNB - Vương Đình Huệ cho rằng, qua 15 năm hoạt động với vai trò là trung tâm, BCĐ TNB đã góp phần xây dựng và phát triển ĐBSCL toàn diện. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị, liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đến nay, BCĐ TNB đã hoàn thành nhiệm vụ, vai trò được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chính phủ giao.
"Bây giờ được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp nhận cho kết thúc hoạt động cũng là do những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phải củng cố kiện toàn, tinh giản về mặt bộ máy, biên chế; đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, việc kết thúc hoạt động của các BCĐ không có nghĩa là các chức năng, nhiệm vụ của các BCĐ này đã kết thúc. Những chức năng, nhiệm vụ này các bộ, các ngành, các địa phương phải tiếp tục làm, tiếp tục phối hợp với nhau và càng phải cố gắng nhiều hơn để làm tốt nhiệm vụ này" Phó Thủ tướng nêu rõ.
"Sứ mạng thì chúng ta đã kết thúc thành công, nhưng nhiệm vụ chúng ta đang làm của Tây Bắc, Tây Nguyên đang làm thì các bộ, ngành các ban xây dựng Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và các địa phương trong vùng chúng ta phải tiếp tục làm. Sắp tới đây công tác quân sự, quốc phòng, an ninh trên địa bàn của chúng ta càng phải được tăng cường, công tác dân tộc, tôn giáo càng phải được chú trọng. Trong cuộc họp Chính phủ đầu năm, Thủ tướng cũng đã có Nghị quyết chuyên đề về ĐBSCL, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các bộ, ngành trong sự liên kết và khâu xâu chuỗi cũng như kết nối của BCĐ TNB".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, Ban Tổ chức Trung ương đang phối hợp với Bộ Nội vụ làm việc với các bộ, ngành, các địa phương ở ĐBSCL có định hướng sắp xếp lại cán bộ của BCĐ TNB. Đây là đội ngũ đã được đào tạo và trưởng thành rất đáng quý... Riêng về tài sản, nhà cửa đất đai của Ban sẽ do Văn phòng Chính phủ và UBND TP Cần Thơ cùng các bộ, ngành chủ trì và trình Thủ tướng để có hưởng xử lý.
Ngày 9/12/2002, Bộ Chính trị có quyết định thành lập BCĐ TNB để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ về triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng TNB.
Qua 15 năm hoạt động, BCĐ TNB đã cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng TNB. Qua đó, kinh tế toàn vùng chuyển biến rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng tăng nhanh; kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; sản xuất lúa, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước; đảm bảo an ninh lương thực. Y tế, giáo dục ngày càng được cải thiện và chất lượng được nâng lên. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới khó khăn phát triển sản xuất…
Nhờ vậy, kinh tế của vùng có sự chuyển biến rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng giai đoạn 2001 - 2010 đạt 11,7%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 8,55%/năm; đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, sản xuất lúa, thuỷ sản, trái cây dẫn đầu cả nước; tỷ lệ trường đạt chuẩn chiếm 28,8% so tổng số trường toàn vùng, đạt 195 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bình quân giản 2%/năm; hiện có 72,35% xã có trạm y tế đạt chuẩn.
Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Ba cho các đồng chí nguyên là Phó Trưởng BCĐ TNB. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng trao Quyết định của Ban Bí thư về việc nghỉ hưu cho đồng chí Trần Minh Thống, Phó Trưởng BCĐ TNB.