Thoát nợ nhờ cổ phần hóa?
Theo bản cáo công bố thông tin để thực hiện cổ phần hóa của Tổng công ty VTNN, tính đến 31/3/2015, giá trị thực tế của Tổng công ty là 363,5 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của nhà nước thực tế chỉ còn lại 117 tỷ đồng.
Tài sản của Tổng công ty VTNN đã giảm đáng kể so với 3 năm trước khi xây dựng phương án cổ phần hóa. Theo báo cáo tài chính được Tổng công ty nêu trong bản công bố thông tin thì năm 2012, giá trị của Tổng công ty là hơn 444 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước theo sổ sách là hơn 226 tỷ đồng; năm 2014, giá trị của Tổng công ty đã giảm xuống còn hơn 420 tỷ và vốn nhà nước theo sổ sách không có sự thay đổi nhiều.
Trong vòng 1 năm, tài sản của Tổng công ty sụt giảm đáng kể, từ 420 tỷ xuống còn hơn 363 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số nợ phải trả lên đến hơn 246 tỷ đồng nên thực tế khoản vốn nhà nước chỉ còn 117 tỷ đồng. Ngoài ra, sự sụt giảm về tài sản còn được lý giải là do các khoản “nợ khó đòi”. Trong báo cáo thông tin cũng đã nêu rõ, Tổng công ty có hơn 61 tỷ đồng tiền nợ khó đòi và số nợ này được hạch toán vào mục tài sản “không cần dùng đến”.
So với vốn điều lệ của Công ty và báo cáo tài chính năm 2014, vốn nhà nước tại Tổng công ty VTNN đã hao hụt gần 110 tỷ đồng, từ 226 tỷ xuống còn 117 tỷ đồng và đây là giá trị thực tế của Tổng công ty khi xây dựng phương án cổ phần hóa. Khoản nợ khó đòi đã được chuyển giao cho Công ty mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Sau này, việc có đòi được các khoản nợ khó đòi trên hay không sẽ không còn là trách nhiệm của Tổng công ty mà thuộc về… nhà nước.
Nhưng sự việc mất vốn này có vẻ như sẽ không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của nhà nước khi số tiền bị mất này có thể bù đắp từ việc bán cổ phần của Tổng công ty. Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của Tổng công ty VTNN là 220 tỷ đồng, được chia thành 22 triệu cổ phần. Với mức giá thấp nhất là 10.100 đồng một cổ phần, chắc chắn sẽ thu về số tiền hơn 222 tỷ đồng cho nhà nước, chưa kể giá bán cổ phần qua đấu có thể được trả cao hơn. Như vậy, với việc mua cổ phần của Tổng công ty VTNN, các ông chủ mới sẽ phải bỏ ra một khoản tiền nhiều gần gấp đôi giá trị tài sản thực mua.
Nhưng, việc bán cổ phần và thu tiền cho ngân sách như vậy có phải là lý do để không xem xét đến trách nhiệm đối với khoản nợ khó đòi 61 tỷ đồng và số vốn nhà nước bị hao hụt hay không? Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu cho rằng, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, mặc dù khoản nợ khó đòi được chuyển cho Công ty mua bán nợ Việt Nam nhưng trách nhiệm cá nhân của những người để xảy ra nợ khó đòi và số vốn nhà nước bị mất cần được làm rõ để xử lý nghiêm trước pháp luật, không thể để tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp trở thành cơ hội để những người làm mất vốn nhà nước cũng “hạ cánh an toàn”.
Nghi vấn xung quanh các nhà đầu tư chiến lược
Mặc dù giá bán cổ phần Tổng công ty VTNN cao gần gấp đôi trị thực tế hiện nay của doanh nghiệp này, nhưng nghịch lý là đang có sự đấu tranh quyết liệt nhằm giành lấy 2 suất “nhà đầu tư chiến lược”, dẫn đến những khiếu nại, tố cáo liên miên. Có thể vì lý do này, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát và báo cáo chi tiết về tiêu chí, quá trình lựa chọn và đề xuất nhà đầu tư chiến lược trình Thủ tướng xem xét.
Lý do vị trí nhà đầu tư chiến lược để mua cổ phần Tổng công ty VTNN trở nên hấp dẫn chính là những miếng đất “vàng” mà doanh nghiệp này đang sử dụng. Trong số này phải kể đến diện tích hơn 2,3 hecta mà Tổng công ty được giao để thực hiện dự án khu vui chơi giải trí Đống Đa; hơn 1.500m2 tại phố Ngô Tất Tố, Hà Nội; đất “vàng” tại số 120 Quán Thành và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hà Nội; và thửa đất tại phố Hải Thượng Lãn Ông, TP Hồ Chí Minh. Đây đều là những thửa đất có giá trị thương mại cao khi chuyển đổi mục đích sử dụng.
Hội nghị người lao động bất thường của Tổng công ty VTNN để triển khai Quyết định 723/QĐ-TTg, trong đó có việc chọn nhà đầu tư chiến lược - Ảnh Vigecam.vn |
Nếu thâu tóm được Tổng công ty VTNN sẽ dễ dàng nắm gọn các lô đất “vàng” trong tay nên không có gì lạ khi bóng dáng của đại gia tài chính, bất động sản Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch ngân hàng SHB đã hiện hữu ở cả 2 nhà đầu tư chiến lược và cả đơn vị tư vấn cổ phần hóa (Công ty chứng khoán SHS). Theo Tờ trình số 986/TTr-BNN-QLDN ngày 3/2/2016 của Bộ NN và PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với Tổng công ty VTNN thì Tổng công ty rau quả, nông sản và Công ty CP Bảo hiểm hàng không được chọn là hai nhà đầu tư chiến lược, được mua 70% cổ phần bán ra. Cả hai nhà đầu tư chiến lược này đều là doanh nghiệp chi phối bởi các công ty con trong Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển.
Nhìn vào danh sách các nhà đầu tư chiến lược đã được chọn thì không ít người nghi ngờ về tính khách quan của việc lựa chọn này. Theo tiêu chí của nhà đầu tư chiến lược được nêu trong phương án cổ phần hóa thì nhà đầu tư chiến lược phải có khả năng hỗ trợ tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm, có mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước và có nhiều đối tác, khách hàng. Nhưng hai nhà đầu tư chiến lược được chọn vốn là doanh nghiệp ngoài ngành, chỉ đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính chứ hoàn toàn không đáp ứng tiêu chí về thị trường, công nghệ phân bón hay mạng lưới phân phối vật tư nông nghiệp. Nếu lấy tiêu chí ngành nghề kinh doanh chính để chọn thì rõ ràng hai nhà đầu tư chiến lược này không thể đáp ứng.
Một bằng chứng cho thấy, Tổng công ty VTNN vẫn muốn “chấm” hai công ty “con” của Tập đoàn T&T làm nhà đầu tư chiến lược là ngày 25/5/2016, Tổng công ty đã triệu tập Hội nghị người lao động để thông qua ý kiến về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, kết quả vẫn không thay đổi so với trước. Ý định thâu tóm Tổng công ty VTNN của Tập đoàn T&T có vẻ rất rõ ràng. Và như vậy, việc cổ phần hóa Tổng công ty VTNN tiếp tục là kịch bản “nắm doanh nghiệp để lấy đất” giống như chuyện đã xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam gần đây chứ không phải là vấn đề sống còn của doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa./.
Ứng viên sáng giá của vị trí nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Quốc tế Năm Sao bị loại khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi về quy trình chọn chủ mới cho Tổng công ty VTNN liệu đã đúng pháp luật? Doanh nghiệp này là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, đáp ứng mọi tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược, lại đang đầu tư vào dự án khu vui chơi giải trí Đống Đa do Tổng công ty VTNN chuyển nhượng. Nhưng vì sao Tập đoàn Quốc tế Năm Sao bị loại trong cuộc đua trở thành nhà đầu tư chiến lược chưa được Bộ NN và PTNT giải thích rõ.