“Tôi kêu cứu nhưng dưới vực không có ai”
Cụ thể, vào khoảng 2h30 ngày 1/3, trên quốc lộ 14, đoạn qua đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), chiếc xe ô tô khách mang biển số 90B-005.32 chở 19 hành khách cùng 1 tài xế và 1 phụ xe, chạy tuyến Hà Nam - Gia Lai khi đi đến Km 1419+500 thì bất ngờ lao xuống vực sâu 100m.
Vụ tại nạn làm tài xế Vũ Văn Huy (34 tuổi, ở xã Yên Bắc, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) tử vong tại chỗ, 19 người bị thương. Toàn bộ nạn nhân đã được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi xe khách, sơ cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei, sau đó được chuyển lên BVĐK tỉnh Kon Tum để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Ông Nguyễn Duyệt (62 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) cho biết, ông cùng vợ là Bùi Thị Thủy đón xe khách biển số 90B-005.32 từ Quảng Trị đi Gia Lai. Đến khoảng 18h ngày 28/2, nhà xe dừng lại ăn cơm ở gần địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế rồi tiếp tục hành trình.
Dù chạy xuyên đêm với hàng trăm km nhưng xe chỉ có một tài xế và 1 phụ xe. Lúc đến Km 1419+500, ông còn thức và nghe xe chạy ào ào, xốc mạnh rồi lao thẳng xuống vực sâu.
“Có thể do một mình lái xe nên tài xế buồn ngủ. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, tôi bị chấn thương lồng ngực và sọ não, còn vợ tôi bị chấn thương cột sống và bả vai”, ông Duyệt cho biết.
Theo anh Trần Văn Dần (32 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An), anh nằm ở giường phía sau ghế tài xế, lúc chuẩn bị qua khúc cua, anh thấy tài xế trả số nhưng không về được, giống như về số 0. Lúc đó có vẻ xe bị mất lái, anh hoảng hồn nhảy xuống giường nằm, chạy ra phía sau, ghì chặt hai tay vào trụ giường nằm.
“Xe lúc này lao vun vút xuống vực. Tôi sợ chết khiếp, choáng váng vì chấn thương nhưng còn tỉnh táo. Khi xe dừng lại tôi kêu cứu nhưng lúc này dưới vực không có ai”, anh Dần nói.
Đến giờ, anh Ngô Văn Phúc (42 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa hết bàng hoàng và vẫn còn run khi nhớ lại sự việc. Anh kể, khoảng 18h ngày 28/2, anh lên xe tại Huế để vào Đắk Lắk làm thuê. Đến khuya hôm sau, khi cả xe đang ngủ thì nghe tiếng động mạnh.
“Chiếc xe lao vào lan can rung lắc mạnh rồi trượt xuống tự do. Khoảng 5 phút sau xe dừng, mọi người trên xe la hét sợ hãi. Đến khi xuống được xe tôi mới biết mình còn sống”, anh Phúc vừa run run vừa thuật lại.
Theo bác sĩ Võ Văn Thanh - Giám đốc BVĐK tỉnh Kon Tum, đến nay, tất cả các nạn nhân nhập viện đều đã qua nguy hiểm, không ai tử vong. Hơn 2/3 số nạn nhân bị thương nhẹ nên đã xuất viện. Hiện có 5 bệnh nhân nặng hơn đang nằm ở khoa Ngoại chấn thương, sức khỏe cũng dần ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Chủ xe kinh doanh vận tải trái phép
Theo Đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum), bước đầu cơ quan công an đã xác định nguyên nhân của vụ việc.
Theo đó, phụ xe khách kể lại rằng, vào thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, phụ xe cùng tài xế và một người khác ngồi trước cabin nói chuyện. Lúc đổ đèo, tài xế dồn số nên không xử lý được. Lúc này, một chiếc xe chạy ngược chiều phóng đến, tài xế không thể đánh lái sang phải nên đã tông vào taluy, rồi lao xuống vực.
|
Xe cứu thương đưa các nạn nhân đi cấp cứu trong đêm. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, sau vụ tai nạn, Sở GTVT tỉnh Kon Tum đã yêu cầu cán bộ kiểm tra, giám sát hành trình của xe khách. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình của xe bị lỗi không thể hiện lộ trình lưu thông.
Đồng thời, ông Hùng cũng thông tin, theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe khách 90B-005.32 đăng ký mang tên Đào Văn Khánh (TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), sản xuất năm 2013 tại Việt Nam. Xe kiểm định lần cuối cùng ngày 28/12/2017 tại Trung tâm kiểm định 1803D tỉnh Nam Định, có thời hạn kiểm định đến ngày 27/6/2018.
Phương tiện được chuyển vùng từ xe mang biển số 36B-012.47 do Hợp tác xã vận tải Hoàng Sơn (tỉnh Thanh Hóa) quản lý. Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT tỉnh Hà Nam chưa quản lý phương tiện 90B-005.32.
“Qua kiểm tra trên hệ thống thông tin về dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, không nhận được dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của xe 90B-005.32 trong ngày 1/3. Chủ xe không có giấy phép kinh doanh vận tải, xe không có phù hiệu. Như vậy chủ xe thực hiện kinh doanh vận tải trái phép”, ông Hùng cho biết.
Điều khó hiểu là, chiếc xe 90B-005.32 chạy từ Bắc vào Nam, vượt qua rất nhiều chốt kiểm tra của CSGT các tỉnh nhưng không tỉnh nào phát hiện xe này là xe kinh doanh vận tải trái phép, thiết bị giám sát hành trình không hoạt động?
Về điều này, Đại tá Toàn cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe có qua chốt của lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum đang làm nhiệm vụ tại khu vực đèo Lò Xo. Tại chốt kiểm tra này, lực lượng CSGT đã dừng xe lại kiểm tra thì thấy hành khách ít nên chỉ nhắc nhở, cảnh báo qua đoạn đèo dốc phải cẩn thận.
“Còn giấy tờ thì không kiểm tra do đêm khuya, trời gần sáng rồi. Hơn nữa xe chạy từ ngoài Bắc vào đây đã qua bao nhiêu trạm rồi”, Đại tá Toàn nói.
Được biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi lời chia buồn với gia đình nạn nhân tử vong và thăm hỏi các nhận nhân bị thương, cử ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trực tiếp vào hiện trường để thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân và phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tiếp tục xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Sau vụ tai nạn, để ngăn ngừa tình trạng xe đâm vào hộ lan gây phá hủy, lật qua hộ lan rơi xuống vực ở đèo Lò Xo, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn thiết kế hộ lan 3 tầng cũng như kết cấu bền vững hơn để xây lắp tại các đoạn cong có bán kính hẹp, độ dốc lớn phía taluy âm, đặc biệt là mép vực sâu.
Phần lớn nguyên nhân là do chủ quan
Có tổng chiều dài khoảng 30km nối hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh là cung đường ngoằn ngoèo nhất, liên tục nối tiếp nhau là những khúc cua cánh chỏ, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Đây là điểm giao thoa giữa hai vùng khí hậu đông và tây Trường Sơn, thời tiết ẩm ướt, thường xuất hiện sương mù nhiều tháng trong năm. Vì thế mà nó trở thành cơn ác mộng đối với cánh lái xe và hành khách mỗi khi phải đi qua. Đặc biệt, đoạn thuộc địa bàn thuộc xã Đắk Man được các lái xe gọi là “đèo tử thần”, bởi nơi này thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Đến nay, nhiều người vẫn chưa thể nào quên vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đèo Lò Xo vào ngày 21/4/2005. Thời điểm ấy, xe khách chở 31 cựu chiến binh ở phường Kim Liên (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) cùng người thân đi thăm lại chiến trường xưa đã lao xuống vực, tất cả hành khách không ai sống sót.
Theo Đại tá Toàn, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do đoạn “đèo tử thần” cua ngoặt, độ dốc lớn nên lái xe rất khó xử lý khi gặp chướng ngại vật; đường vắng lái xe thường có tâm lý chủ quan và trước đó do phải di chuyển trên đoạn đèo dài, lái xe thường xuyên rà thắng đến lúc cần xử lý, hệ thống thắng đã mất tác dụng.
Đại tá Toàn khuyến cáo, để giảm thiểu tai nạn qua khu vực đèo Lò Xo, các hãng xe khi đưa phương tiện vào lưu hành phải được kiểm tra chặt chẽ. Trong quá trình lưu thông, nhà xe, lái xe phải chú ý công tác bảo dưỡng, kiểm tra kỹ hệ thống thắng, hệ thống phòng cháy chữa cháy trên xe. Việc sắp xếp hàng hóa trong khoang xe, những vật dụng dễ phát sinh nguồn nhiệt cần bố trí riêng, vật dễ cháy nổ phải được xe chuyên dụng vận chuyển.