Sự thật về mật mã “Geronimo” và Bin Laden

Việc chọn “Geronimo” làm mật mã của chiến dịch tiêu diệt Bin Laden được cho là xuất phát từ những điểm tương đồng trong những chiến dịch mà chính quyền Mỹ thực hiện để tóm được các mục tiêu của mình.

“Geronimo” là mật mã mà đội đặc nhiệm hải quân Mỹ SEAL gửi về Nhà Trắng sau khi kết thúc chiến dịch tiêu diệt Bin Laden hôm 2/5. Việc chọn “Geronimo” làm mật mã của chiến dịch này được cho là xuất phát từ những điểm tương đồng trong những chiến dịch mà chính quyền Mỹ thực hiện để tóm được các mục tiêu của mình.

Geronimo

Tháng 5/1885, Geronimo đã dẫn đầu cuộc bỏ trốn của 120 người Chiricahua Apache (người Mỹ bản địa) khỏi khu bảo tồn ở San Carlos (hiện là Arizona) mà chính quyền Mỹ ngày đó tập trung họ lại để dễ bề quản lý. Cuộc trốn chạy nhằm tạo ra sự kích động ở miền Tây Nam nước Mỹ để phản đối việc tái định cư cho người da đỏ đến vùng đất mà theo họ là hầu như không có giá trị về nông nghiệp này. Theo một chuyên gia nghiên cứu, Geronimo - chỉ huy của người Apache – sau khi chạy trốn đã “giết bất kỳ người nào bất chợt đi ngang qua”.  

Sự phản ứng mạnh mẽ của những người Apache đã khiến cho Tướng George Crook – chỉ huy quân đội Arizona ra lệnh cho quân lính của mình xâm nhập vào Mexico với mục tiêu bắt giữ hoặc giết chết Geronimo. Thực hiện chỉ thị, 5.000 quân lính – tương đương một phần tư quân đội Mỹ - đã được triển khai tới biên giới và xâm nhập vào Mexico để truy bắt Geronimo. Chiến dịch kéo dài 16 tháng với mục tiêu truy bắt Geronimo là chiến dịch đầu tiên trong hàng chục chiến dịch săn lùng những kẻ phạm tội trong lịch sử quân sự Mỹ, trong đó các lực lượng được triển khai ra nước ngoài nhằm mục tiêu bắt giữ hoặc tiêu diệt một cá nhân mà điển hình là Pancho Villa, Che Guevara, Manuel Noriega và Saddam Hussein.

Chiến dịch truy bắt Geronimo và cuộc truy tìm tung tích Bin Laden có khá nhiều điểm chung. Điểm tương đồng đầu tiên dễ nhận thấy là ở khoản tiền kếch xù mà Mỹ treo thưởng cho người cung cấp thông tin liên quan đến mục tiêu của họ. Nếu như Mỹ đưa ra giải thưởng 25 triệu USD cho người cung cấp thông tin về nơi trú ẩn của Bin Laden thì 125 năm trước khi trùm khủng bố bị tiêu diệt – ngày 3/5/1886, Hạ viện nước này cũng đã đưa ra nghị quyết “ủy quyền cho Tổng thống treo giải thưởng 25.000 USD cho việc tiêu diệt hoặc bắt giữ Geronimo”.

Điểm giống nhau thứ hai là ở cả hai chiến dịch nhằm vào Geronimo và Bin Laden, Mỹ đều đã triển khai những công nghệ hiện đại nhất của mình. Trong khi một lượng lớn vệ tinh và cảm biến siêu phổ đã được sử dụng trong chiến dịch tìm kiếm tung tích Bin Laden thì cách đó hơn 100 năm, Tướng Nelson Miles đã chỉ đạo đặc vụ của mình máy quang báo trên các đỉnh núi cao dễ nhìn thấy, từ đó sử dụng ánh sáng mặt trời và những chiếc gương để truyền  thông tin về kẻ thù. Tuy nhiên, ở cả hai trường hợp, các loại thiết bị tối tân này đều không mang lại kết quả như mong đợi mà ngược lại, những chiến dịch nhỏ lại chứng minh tính quyết định hơn là những đội quân lớn.

Bin Laden

Cụ thể, năm 1886, Trung úy Charles Gatewood đã có thể tiếp cận với 40 chiến binh Apache và một cuộc đàm phán chỉ gồm 5 người - Trung úy Gatewood, hai trinh sát Apache, một thông dịch viên và một người chở hàng đã được tiến hành. Gatewood đã thuyết phục được Geronimo và những phần tử nổi dậy đầu hàng vào ngày 4/9 nhờ sự khéo léo mà 5.000 binh sỹ của đội quân hùng mạnh kia không thể nào làm được.

Tương tự, Mỹ có thể sẽ không bao giờ triển khai hàng nghìn quân lính ở Afghanistan để ngăn chặn mọi đường trốn thoát tại Tora Bora và sau đó là việc triển khai 3.000 quân tại ShahikotValley trong chiến dịch Anaconda thất bại thảm hại trong việc ngăn chặn việc trốn thoát của các phần tử khủng bố nếu biết trước được việc chỉ với một trận đánh “nhẹ nhàng” của hơn chục đặc vụ đã đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng. 

Điểm giống nhau thứ ba là ở cả hai chiến dịch, vai trò của các nguồn tin tình báo trong việc truy tìm tung tích mục tiêu là yếu tố vô cùng quan trọng. Gatewood đã được một nhóm các nông dân vốn quá mệt mỏi với những mối nguy hiểm từ các chiến dịch của Apache báo cáo về việc Geronimo trốn tại khu vực gần  Fronteras, Mexico.

Tuy nhiên, vị Trung úy vẫn cần đến sự giúp đỡ của những trinh sát Apache quen thuộc với địa hình và với những binh lính của Geronimo để tiếp cận được con mồi. Còn với chiến dịch săn lùng Bin Laden, theo giới chức Mỹ, sự thành công trong việc tìm ra nơi trú ẩn của trùm khủng bố phụ thuộc vào việc thẩm vấn những đồng đảng của Bin Laden trong hàng ngũ Al Qaeda đã bị bắt sau vụ 11/9 và nỗ lực của nhân viên tình báo nằm vùng tại Pakistan trong việc phát hiện ra người đưa tin thân tín của Bin Laden – người đã dẫn lối cho đặc nhiệm Mỹ tới cửa nơi trú ẩn của ông trùm tại Abbottabad.

Những nét tương đồng giữa hai vụ Geronimo và Bin Laden ngoài ra còn nằm ở hiệu quả chiến lược. Sự đầu hàng của Geronimo ở Skeleton Canyon là yếu tố quan trọng nhưng lại chỉ mang tính tượng trưng còn yếu tố quyết định dẫn đến sự kết thúc quá trình đối kháng của những người Apache và thiết lập trật tự ở khu vực Tây Nam nước Mỹ lại là nhờ vào chính sách lưu vong tàn nhẫn của Tướng Miles. Theo chính sách này, những người Chiricahua kể cả những người chống đối Geronimo đều bị chuyển đến Florida, nơi mà nhiều người da đỏ trong số đó đã chết vì sự thay đổi thời tiết và môi trường sống. Còn ở thực tại, hầu hết những nhà phân tích về chủ nghĩa khủng bố đều không  tin vào việc cái chết của Bin Laden sẽ không thể kết thúc được cuộc chiến chống lại Al Qaeda và lưu ý rằng khi Bin Laden chết đi, những phần tử Al Qaeda ở các khu vực như bán đảo Arab sẽ trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự an toàn của nước Mỹ.

Trong khi những tranh cãi về việc sử dụng cái tên “Geronimo” trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden vẫn chưa dừng lại thì sự thật có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng sự liên tưởng và  tình cảm mà mọi người dành cho Geronimo và Bin Laden là hoàn toàn khác nhau – một bên được xem là anh hùng còn kẻ còn lại chính là kẻ thù chung, là mối đe dọa đến sự ổn định trên thế giới cuối cùng đã bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

Thanh Tùng (theo Washington Post)