Sự trở lại của máy ảnh chụp bằng film

(PLO) - Sắc nắng giao thoa cuối thu của thời điểm hiện tại không chỉ được xem là “mùa vàng” của dân chơi ảnh mà đây cũng là dịp của các “máy ảnh gia” thể hiện mình. Và thú “chơi” máy ảnh của giới trẻ hiện nay đang có xu hướng “đổ xô” về hoài cổ với những chiếc máy ảnh cơ có tuổi thọ lên tới hàng chục năm...
Bởi một vài lý do mà máy ảnh chụp bằng film đã không còn là độc tôn
Bởi một vài lý do mà máy ảnh chụp bằng film đã không còn là độc tôn
Mê đắm sắc hoài cổ
Hiện nay, với công nghệ ngày càng tân tiến, các thiết bị ghi hình cũng càng hiện đại và dễ dàng để chụp một bức ảnh tùy từng mục đích sử dụng. Tưởng chừng ảnh film đang chìm dần vào quên lãng, thế nhưng trào lưu sưu tầm và sử dụng máy ảnh chụp bằng film (máy phim) đã và đang trở lại, thậm chí còn lấn sân các đời máy kỹ thuật số nếu so về tính nghệ thuật trong bức ảnh. 
Trải qua một thời gian dài với những bước tiến vượt bậc, máy ảnh kỹ thuật số đã làm môn nghệ thuật nhiếp ảnh thay đổi rất nhanh. Người chụp chỉ việc quan tâm bắt khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống hay thậm chí “công nghiệp” hơn như chụp hàng trăm kiểu, rồi dễ dàng lựa hình và xử lý hậu kỳ chứ không còn tốn công sức, thời gian để căn chỉnh tất cả thông số cho từng tấm ảnh. 
Thế nhưng những tiện ích đó lại khá khó khăn trong việc chinh phục đông đảo những người yêu thích nhiếp ảnh một khi đã quay lại với nghệ thuật chụp máy film. Bởi lẽ, dù có bất tiện nhưng sự hoài cổ mà máy phim mang đến qua thước ảnh thì không một dòng máy số nào có thể đạt được. 
“Chất màu” từ máy film thường rất riêng, không rực rỡ, không “nét căng” như máy số mà thường khá trầm và thiên về những sắc xanh hoặc đỏ tuỳ vào từng loại cuộn film và đôi khi còn phụ thuộc vào thuốc khi tráng mà mang lại cho người xem cảm giác rất hoài cổ và rất khó thấy được từ máy số bởi những hạt màu li ti đặc trưng. 
Bên cạnh đó, “chụp máy film khiến mình kiên nhẫn hơn nhiều” – Đặng Minh (sinh viên Trường Đại học FPT) lý giải - do ở máy số, việc chụp xong một bức ảnh, nếu không ưng ý có thể xóa đi và chụp lại nhưng ở máy film, thì chỉ có một cơ hội duy nhất cho mỗi khoảnh khắc bởi cho đến hết số kiểu film cho phép trên từng loại hoặc phải chờ cho đến khi mang film đi tráng (rửa) mới có thể thấy được sản phẩm của mình như thế nào. 
“Vì vậy việc tính toán và cẩn thận cho từng lần bấm máy cũng vô tình tạo nên tính kiên nhẫn và chắc chắn cho người chơi ảnh. Hơn nữa, thời gian chờ đợi khi tráng film cũng rất thú vị bởi hồi hộp, nôn nóng muốn biết kết quả của cuộn film mình vừa hoàn thành. Nhất là khi bạn bắt gặp được khoảnh khắc quý giá, điều kiện thời tiết tốt, hoặc có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng”, Đặng Minh chia sẻ thêm.
Chụp ảnh bằng máy film là một thú chơi kén người
Chụp ảnh bằng máy film là một thú chơi kén người 
Thú chơi không dành cho “máy ảnh gia”
Sự cuốn hút từ những đặc trưng không thể thay thế của máy ảnh cơ khiến không ít các bạn trẻ thích thú. Và đó cũng là lý do khiến nhiều bạn cũng cất công kiếm tìm cho mình một chiếc máy ảnh chụp film. Nhưng khác ở chỗ, tiêu chí của nhiều bạn không hẳn là một chiếc máy chất lượng mà lại nhắm vào “tuổi” của máy. Bởi lẽ, mục đích của những người chơi này chỉ dừng lại ở việc thể hiện mình đang “sống cùng trào lưu”.
“Săn” máy ảnh cổ không quá khó nhưng cũng cần nhiều thời gian. Một chiếc máy ảnh chụp film kèm ống kính tương đối mới và hoạt động tốt có giá từ khoảng 1,5 đến 3 triệu đồng – đó là cái giá rẻ nếu so với các dòng máy ảnh hiện thời. Nhưng tùy vào lịch sử máy, độ mới, tính năng mà giá khác nhau và có thể lên đến cả chục triệu. Và sẽ còn tốn kém hơn nếu người dùng không thực sự tìm đến với nhiếp ảnh. Bởi đặc thù mỗi cuộn film có từ 10 - 36 kiểu tùy từng loại film và khổ film, ngoài ra còn phải kể đến chi phí rửa trong phòng tối.
“Chơi máy phim rất tốn bởi phải mua phim, tráng phim. Tính ra, mỗi cú bấm máy đã “ngốn” luôn 2.500 đồng” – Đức Liêm (Đại học Sân khấu điện ảnh) còn chia sẻ. “Một cuộn film phổ thông khoảng 40.000 đồng, chi phí rửa trung bình khoảng 35.000 đồng. Hơn nữa, nguồn film hiện nay ngày càng hiếm, đắt giá hơn và ít nơi có dịch vụ phóng, rửa ảnh cũng là những thử thách không nhỏ mà người chơi máy film phải đối mặt. Mình thích và học nhiếp ảnh nên cũng cố, chứ nhiều bạn chỉ chơi theo trào lưu thì cũng vì điều này mà nhanh chóng bỏ cuộc”.
“Chụp ảnh” và “nhiếp ảnh” là hai khái niệm từ trước đến nay hầu như luôn bị đánh đồng, và có lẽ vì vậy mà không ít bạn trẻ chọn máy ảnh làm “phụ kiện” cho mình. Nhưng như trước kia, giới trẻ “đọ” nhau về những chiếc máy kỹ thuật số đời cao, dáng “khủng” thì nay, “chuyện “sắm” một chiếc máy ảnh cơ để “lấy le” xét ra sẽ thật lố bịch khi không hiểu và chẳng thể sử dụng. 
Thay vì bỏ thời gian học chụp, tập chụp, hiểu về chụp ảnh, nhiếp ảnh, nhiều người lại chọn cách trở thành các “máy ảnh gia” khi coi trọng phương tiện để rồi vừa tốn kém lại vừa cho ra một mớ kết quả chẳng ra sao” – bạn Thành Trung bày tỏ.