Sự trở lại ngoạn mục của áo dài ngũ thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của người đàn ông Việt, nhưng qua những thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài nam truyền thống không còn hiện diện trong đời sống thường ngày. Và những năm gần đây, chúng ta gặp lại nhiều hơn sự trở lại của áo dài ngũ thân trên đường phố hay trong các nghi lễ ngoại giao trang trọng…
Áo dài ngũ thân do các thành viên CLB Đình Làng Việt dạo bước trên phố cổ.
Áo dài ngũ thân do các thành viên CLB Đình Làng Việt dạo bước trên phố cổ.

Niềm tự hào áo dài Việt

Còn nhớ vào mùa hè năm 2018, khi Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, Trần Ngọc An trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, ông đội khăn đóng, mặc chiếc áo màu xanh nước biển thẫm, trên áo có in hình hoa văn truyền thống. Cùng với đó, hình ảnh Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Bu-tan và Nê-pan Phạm Sanh Châu “diện” áo dài trong những dịp thực hiện nghi lễ ngoại giao, các dịp lễ, Tết… đặc biệt là vận động nhân viên Đại sứ quán mặc áo dài.

Có thể nói, gần một thế kỷ trôi qua, áo dài ngũ thân đi qua một hành trình, từ thân thuộc, đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen. Trong tâm thức của nhiều người, chiếc áo dài ngũ thân đã dần trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa trang phục Việt Nam.

Theo họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch CLB Đình làng Việt, áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18. Họa sỹ Nguyễn Đức Bình cho biết, tiền thân của áo dài ngày nay là áo ngũ thân tay chẽn (loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn, ống tay hẹp và vạt ngắn hơn nam) được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông chính là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài.

Áo dài ngũ thân đã khắc phục được nhược điểm của những trang phục trước đó, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc, mang đặc điểm riêng, khác với trang phục các quốc gia khác, phù hợp với khí hậu.

Đặc biệt, kiểu dáng áo khắc phục những nhược điểm cơ thể của đàn ông, phụ nữ Việt, tạo cho đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Qua hình ảnh người Pháp ghi lại giai đoạn trước 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo dài, từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy vậy, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, dần dần trang phục áo dài của nam giới thay đổi, mờ nhạt trong đời sống. Áo dài ngũ thân chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng…

Ảnh TTXVN

Ảnh TTXVN

“Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người”

Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu là do ngày xưa khổ vải nhỏ, nên áo được ghép lại từ 5 vạt áo (thân). Áo ngũ thân được mặc kèm với quần màu trắng (lụa, là) hai ống, rộng chừng 25-29 cm tùy từng người; còn có khăn vấn, khăn đóng bằng chất liệu nhiễu hoặc là. Bên trong áo ngũ thân nam là một lớp áo lót trắng, cổ đứng, có may túi tiện dụng, tạo lớp nền sáng tôn vẻ đẹp cho chiếc áo dài ngũ thân mặc bên ngoài…

“Người Huế gọi là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng, năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người, bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”; ngũ luân biểu trưng cho hình ảnh “quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè”. Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý”, ông Bình chia sẻ.

Đồng thời, theo ông Bình, cách may áo, mặc áo dài ngũ thân, đặc biệt với áo dài nam thể hiện rõ các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế. Sự tinh tế thể hiện ở kỹ thuật may của người thợ. Từ việc ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, khi cần phải giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về góc độ mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa phù hợp với công năng sử dụng vừa có thẩm mỹ.

Hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa trên toàn cầu ngày càng gia tăng thì việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo là cần thiết. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm lễ phục nhà nước…

Đến nay, đã có nhiều cuộc thi thiết kế mẫu nhưng vẫn chưa chọn được thiết kế nào đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam trong lễ phục của nam giới. Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng áo dài ngũ thân truyền thống hội tụ các yếu tố thể hiện sự trang trọng, lịch lãm, cương nghị nhưng nhu hòa, nghiêm cẩn tạo trong tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt xưa nay. Nhưng các mẫu thiết kế mới chỉ đạt được các tiêu chí là tiện lợi, mới lạ, độc đáo nhưng bản sắc văn hóa của đàn ông Việt trong áo dài thì lại hoàn toàn biến mất.

Bản sắc văn hóa của áo dài là sự khiêm nhường, giản dị. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có câu: “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng của dân tộc thì gặp nhân loại”. Bản chất của vấn đề là sự giản dị, khiêm nhường, thẩm mỹ tinh tế. Trước đây, khi có áo mới, màu sắc gấm vóc rực rỡ thì để thể hiện tính khiêm nhường, các cụ khoác áo the ra bên ngoài. Nhà thiết kế phải làm sao mang được nét văn hóa khiêm nhường, giản dị ấy vào trang phục. Có thể quan điểm thẩm mỹ xưa khác bây giờ, nhưng cốt lõi bản sắc thì không thay đổi.

Đồng quan điểm, ThS. Đinh Hồng Cường nhận định, bộ lễ phục là thể diện và là niềm tự hào về văn hóa mặc của mỗi dân tộc, chứ không phải là sáng tác thiết kế thời trang theo xu hướng mốt, thời trang lòe loẹt. Thiết kế mẫu trang phục cho đàn ông Việt phải kế thừa được những nét tinh hoa của áo dài ngũ thân nam truyền thống, thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, các giá trị gắn với áo dài nam truyền thống vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để áo dài nam truyền thống trở thành phương tiện quảng bá hình ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc đến bạn bè thế giới cần có sự hiệp lực của các ngành, các đơn vị, các tổ chức xã hội mà trước tiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia may mặc trong nước và thế giới, các nhà làm chuyên môn, các nhà làm văn hóa, lịch sử.

Hơn nữa, theo ThS. Đinh Hồng Cường, áo dài nam phấn đấu để được UNESCO công nhận làm Di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là cách để chúng ta chung tay giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn của tà áo dài ngũ thân nam, góp phần tôn vinh trang phục truyền thống của người Việt Nam, một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng, biểu tượng của văn hoá Việt Nam.

Có thể nói, gần một thế kỷ trôi qua, áo dài ngũ thân đi qua một hành trình, từ thân thuộc, đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen. Trong tâm thức của nhiều người, chiếc áo dài ngũ thân đã dần trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa trang phục Việt Nam…

Áo dài Việt là văn hóa, bề dày lịch sử

Theo các tài liệu, cách đây hơn 2000 năm, khi Hai Bà Trưng cưỡi voi đeo lọng, hình ảnh áo dài Việt Nam đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ và thạp đồng Đào Thịnh. Nói chung, tà áo dài Việt đã đi cùng những năm tháng hào hùng của dân tộc, trở thành niềm tự hào, biểu tượng của người Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Đọc thêm