Một người dân ở Thái Nguyên bắt gặp đôi vợ chồng người dân tộc vạ vật trên đường tàu hỏa. Ông hỏi han tình cảnh họ, biếu họ thức ăn và mời họ về nhà mình nghỉ ngơi, ăn uống và đón xe khách để họ về nhà.
Đôi vợ chồng trên ở Hà Giang, có người giới thiệu một công việc ở Hà Nội và mua vé xe cho họ. Sau 2 tháng làm công việc trộn bê tông, họ nhớ con, xin về nhưng chủ không trả công và giấy tờ tùy thân. Họ bỏ về mà trong túi không có một đồng. Vừa đi bộ theo đường sắt, vừa hỏi thăm, tự nhặt nhạnh kiếm ăn, dầm mưa, dãi nắng sau một tuần thì họ về đến Thái Nguyên, mệt mỏi họ dừng lại nghỉ ngơi trên đường tàu.
Sau khi hình ảnh của họ được đưa lên mạng, nhiều người xúc động đã gửi tiền vào tài khoản của người đã đưa họ về nhà ở Thái Nguyên. Sự tử tế đó đã giúp họ về đến nhà an toàn, có thêm một ít tiền nuôi con.
Sự việc này cho chúng ta thấy trong cuộc sống hiện tại có nhiều người tử tế, luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ một cách vô tư những trường hợp gặp hoàn cảnh éo le, khốn khó. Đồng thời, cũng nhận diện được không ít kẻ táng tận lương tâm, chỉ biết đến mình và tiền.
Đáng lưu ý hơn, sự tử tế có lúc phải “nhìn trước, ngó sau”, cẩn trọng không dám thể hiện vì sợ gặp phải “tai bay, vạ gió”, tự “mua dây buộc mình”. Việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông rồi sau đó khốn khổ vì bị làm phiền là một ví dụ điển hình. Hoặc, trước khi cứu giúp phải “bạch hóa” thông tin cá nhân cho mọi người xung quanh, thậm chí phải quay camera lưu lại hình ảnh trong điện thoại để phòng sau này mình bị đổ vạ là một minh chứng rất rõ cho những điều trên.
Môi trường xã hội trong sạch, hướng đến việc lành, điều tốt thì không thể để người tử tế phải dè chừng. Lòng tốt và vị tha trong mỗi con người như một sự mặc định, tự nhiên nhi nhiên và sự tử tế đâu cần đến động cơ để tử tế.