Một công ty sữa của Trung Quốc vừa bị phát hiện đã làm giả các sản phẩm của đối tác nước ngoài là Tập đoàn Hero, một nhà sản xuất sữa bột lớn của Thụy Sỹ.
Một người Trung Quốc đang đi mua sữa tại siêu thị. |
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, công ty Xile Lier bị phát hiện đã trộn sữa bột trẻ em đã hết hạn với những nguyên liệu sữa được nhập khẩu theo thỏa thuận hợp tác giữa công ty này với Hero.
CCTV cho hay, các công tố viên nhà nước cáo buộc Xile Lier đã có các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, trong đó có việc trộn sữa hết hạn với các nguyên liệu của đối tác, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm, thay đổi công thức sữa để người dùng tưởng rằng đó là sản phẩm cho trẻ sơ sinh hòng bán với giá cao hơn.
Giới chức thành phố Tô Châu, phía Đông tỉnh Giang Tô, nơi đặt trụ sở của Xile Lier, cho biết họ đã đóng cửa dây chuyền sản xuất của công ty này từ tháng 11 năm ngoái sau khi nhận được đơn tố giác.
“Chúng tôi đã bàn giao vụ việc cho cảnh sát” – một quan chức của Cục Giám sát Chất lượng và kỹ thuật Tô Châu cho hay và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Người đại diện pháp lý của Xile Lier cũng đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Tuy nhiên, các sản phẩm Xile Lier, được bán với nhãn mác Hero Nutradefence, vẫn đang được bày bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng ở Trung Quốc.
Gian hàng của Xile Lier trên www.360buy.com, cổng mua bán online lớn nhất tại Trung Quốc, đã ngừng hoạt động ngày 28/3.
Theo website của Hero, tập đoàn này có trụ sở tại thành phố Lenzburg, bang Aargau của Thụy Sỹ. Doanh thu của tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân này khoảng 1,5 tỷ USD.
Đây là vụ bê bối an toàn thực phẩm mới nhất tại Trung Quốc. Sữa bột trẻ em hiện trở thành một mặt hàng nhạy cảm kể từ sau khi ít nhất 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ khác mắc phải các vấn đề về sức khỏe hồi năm 2008 vì đã uống phải sữa nhiễm hóa chất độc hại melamine.
Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa trẻ em nhập khẩu vì thế đã tăng mạnh, thậm chí còn khiến cho nhiều siêu thị tại các nước khác rơi vào tình trạng khan hiếm vì nhiều người Trung Quốc đã đổ xô đi mua hàng với số lượng lớn rồi vận chuyển về để cho các thành viên trong gia đình họ sử dụng hay bán lại cho người khác.
Tháng trước, Hong Kong đã phải áp đặt giới hạn số lượng mà du khách từ Trung Quốc có thể mang ra khỏi đặc khu hành chính này.
Bảo An (Theo báo nước ngoài)