Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là rất cần thiết cho sự phát triển bứt phá của đất nước

(PLVN) - Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý , Bộ Tư pháp – cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết. Khi công cuộc cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy do Đảng ta khởi xướng vì sự phát triển của đất nước đã “chạm trần” một số quy định của Hiến pháp, thì việc sửa đổi là điều tất yếu để hiện thực hóa những cải cách đó.
TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Theo TS Nguyễn Văn Cương, khi quá trình cải cách thể chế, việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn đã “chạm trần” một số quy định của Hiến pháp năm 2013 – tức là vượt ra ngoài các quy định hiện hành có thể bao quát – thì việc sửa Hiến pháp không còn là lựa chọn mà là điều bắt buộc.

"Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Do đó, khi sự phát triển đất nước yêu cầu phải thực hiện những bước đi, những giải pháp mà vượt ngoài khuôn khổ hiến định hiện tại thì muốn thực hiện được việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được đặt ra. Chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp lần này là một trường hợp như vậy. Vì thế, trong góc nhìn của tôi, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lần này là điều bình thường” – TS Cương nhấn mạnh.

Về chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện, TS Cương cho rằng đây được xem là một hướng đi đúng đắn, hợp lý và phù hợp với xu thế tinh gọn bộ máy nhà nước. Theo ông, việc chuyển từ mô hình chính quyền 4 cấp xuống còn 3 cấp sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực: “Khi giảm một tầng nấc, nhất là một tầng nấc trung gian, quá trình ra quyết định trong bộ máy sẽ nhanh hơn, thông suốt hơn. Có những quyết định mà phải có sự tham gia và triển khai của cả 4 tầng chính quyền thì nay thay vì quyết định phải đi qua 4 tầng, giờ chỉ còn 3, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian, giảm thủ tục, giảm độ trễ phản ứng chính sách”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Cương cũng nêu rõ việc ra quyết định luôn cần dòng thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và thông suốt. Thông tin trong hệ thống bộ máy nhà nước khi đi qua quá nhiều tầng nấc sẽ dễ bị “khúc xạ”, ảnh hưởng tới tính chính xác và sự thông suốt trong vận hành hệ thống.

Vì vậy, việc giảm một tầng chính quyền, nhất lại là tầng chính quyền có tính trung gian cao sẽkhông chỉ giúp thông tin lưu thông nhanh hơn mà còn góp phần nâng cao độ chuẩn xác của dòng thông tin trong hệ thống ra quyết định. Giảm bớt một tầng chính quyền cũng giúp cho các phản ứng chính sách từ chính quyền Trung ương đến với người dân cũng nhanh chóng và tiếng nói của địa phương, cơ sở đến với Trung ương cũng nhanh hơn.

Tuy nhiên, TS Cương cũng lưu ý rằng không phải tự nhiên mà chúng ta có thể thực hiện được một cải cách mạnh như vậy. Phải khẳng định rằng, cùng với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và các cấp lãnh đạo của chúng ta thì chính thành quả của quá trình đổi mới đất nước 40 năm vừa qua đã tạo ra tiền đề, điều kiện nền tảng cho việc hiện thực hóa cải cách này.

TS dẫn chứng: "Một là, hạ tầng giao thông hiện nay đã phát triển vượt bậc, giúp việc đi lại của người dân khi cần đến với cơ quan chính quyền các cấp trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Hai là, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong việc chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi mà đa số người dân trong độ tuổi trưởng thành đều có điện thoại thông minh kết nối Internet. Điều đó ngày càng làm giảm đáng kể nhu cầu người dân phải trực tiếp đến cơ quan công quyền khi tiến hành giao dịch hoặc làm các thủ tục hành chính. Nói cách khác, khoảng cách giữa người dân và chính quyền đã thu hẹp rất đáng kể nhờ sự cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông và tiến trình chuyển đổi số".

Theo TS Cương, việc thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính với chính quyền mà không cần phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan nhà nước là xu hướng văn minh. “Nhờ vào sự cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông và sự phát triển của công nghệ số, việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã với quy mô lớn hơn so với trước đây, nhìn chung, không còn tạo ra rào cản lớn khi người dân tiến hành các giao dịch với chính quyền cấp cơ sở”, TS Nguyễn Văn Cương nói.

Đối với cách tiếp cận trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, TS Cương bày tỏ sự đồng thuận cao. Theo TS, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 cần bám sát yêu cầu cải cách. "Cải cách đòi hỏi đến đâu thì sửa đến đấy, chỉ nên sửa vừa đủ”, TS phân tích.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đánh giá, dự thảo hiện nay đang đi theo đúng hướng đó - sửa trong giới hạn vừa đủ. Việc này vừa bảo đảm được tính ổn định của Hiến pháp - đạo luật gốc, vừa kịp thời mở đường cho những cải cách quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. TS cũng đề xuất, bên cạnh các nội dung đã thể hiện như Dự thảo lấy ý kiến Nhân dân, cần tiếp tục tính toán, căn chỉnh kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật lập hiến để bảo đảm tính chuẩn mực, khái quát cao trong quy định của Hiến pháp đồng thời tạo ra nhận thức thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện sau này.

Đọc thêm