Tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính
Theo Chính phủ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật XLVPHC bị tác động bởi chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn. Tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt VPHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục XLVPHC; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Tập trung sửa đổi, tháo gỡ những quy định thực sự là “điểm nghẽn” trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính
|
Ngày 15/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật lần này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định vướng mắc, bất cập lớn, mang tính phổ quát, thực sự là “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ trong thực tiễn XLVPHC thời gian qua.
Ngày 16/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua.
Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao việc bổ sung quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong XLVPHC vì đây là bước tiến cần thiết và phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và yêu cầu cải cách hành chính. Theo các đại biểu, các quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần khắc phục các vướng mắc hiện hành, đồng thời hướng đến mục tiêu lâu dài là tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi, ổn định, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Nhiều ý kiến khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC là bước đi cần thiết, mang tính chiến lược, góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý cho công tác XLVPHC trong kỷ nguyên số, bảo đảm quyền lợi công dân và sự nghiêm minh của pháp luật. Liên quan đến quy định về xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng việc sửa đổi này đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để thực hiện hành vi VPHC và thuộc trường hợp bị tịch thu.
Hà Dung
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 điều, với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xuất phát từ thực tiễn thực hiện việc xử lý chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt VPHC của các chức danh khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua và giai đoạn sắp tới, đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt hơn, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 87 Luật XLVPHC (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật) về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt VPHC là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy, đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương tăng cường tính tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ thuộc thẩm quyền.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật XLVPHC (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật) về thời hiệu xử phạt VPHC; sửa đổi, bổ sung Điều 24 Luật XLVPHC (khoản 26 Điều 1 dự thảo Luật) theo hướng bổ sung một số lĩnh vực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương liên quan đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các Luật có liên quan về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; an toàn, an ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Nhằm tạo cơ sở pháp lý để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động XLVPHC, dự thảo Luật bổ sung 1 điều (Điều 18a) tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật để bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong XLVPHC. Để vừa bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung 1 điều (Điều 37a) về thẩm quyền xử phạt VPHC. Ngoài ra, dự thảo Luật đã có những quy định xử lý các vấn đề về chuyển tiếp hiệu lực thi hành, để bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục trong thực hiện quản lý nhà nước, không có “khoảng trống” pháp lý.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với những thay đổi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới quản trị quốc gia, lấy người dân làm trung tâm của cải cách hành chính, dự thảo Luật cũng dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đơn giản hóa thủ tục xử phạt, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền trong việc thực thi công vụ.
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp:
“Cần đánh giá kỹ lưỡng khi quy định tăng mức phạt tiền trong một số lĩnh vực”
|
TS.Luật sư Đặng Văn Cường: “Một nguyên tắc khi sửa luật là việc sửa đổi phải được đặt trong hệ thống các hình phạt và mức phạt của hành chính và hình sự, cũng như các lĩnh vực khác”. |
“Luật XLVPHC được ban hành từ năm 2012, đến nay là hơn 10 năm. Có nhiều nội dung, mức xử phạt ở Luật này không còn phù hợp nữa. Cho nên, việc sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản lên là cần thiết, để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay so với trước đây. Do đó, tôi tán thành với nội dung này.
Qua thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, có ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt đối với vi phạm giao thông lên đến 200 triệu đồng, tôi cho rằng, mức xử phạt 100 triệu đồng, 150 triệu đồng hay 200 triệu đồng không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của một cá nhân, mà mức tăng lên phụ thuộc vào một số yếu tố. Một nguyên tắc khi sửa luật là việc sửa đổi phải được đặt trong hệ thống các hình phạt và mức phạt của hành chính và hình sự, cũng như các lĩnh vực khác. Cùng với đó, phải căn cứ vào tổng kết thực tiễn áp dụng văn bản Luật, ví dụ, Luật quy định mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng đối với một hành vi nào đó mà các hành vi này vẫn diễn ra phổ biến thì sẽ kết luận là không đủ răn đe thì cần tăng lên. Ngoài ra, cần căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân, mức sống, giá trị phương tiện giao thông; kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia có sự tương thích về mặt kinh tế - xã hội... để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, khoa học, logic và khả thi.
Bảo An (thực hiện)