Chiều nay (23/3), tại Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (dự thảo Luật BHVBQPPL).
Thảo luận tại phiên họp, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, khi làm luật ngành nào cũng muốn giành thuận lợi về phía mình, nên mặt bằng chung của hệ thống pháp luật còn khập khiễng.
“Cái này chưa kiểm soát được một cách toàn diện nên phát sinh nhiều vấn đề. Cho nên khi làm luật nếu có căng thẳng, không thuận lợi thì báo cáo Chính phủ ngay”- ông Việt nói. Đồng thời, phải quy định rõ thời hạn bao nhiêu ngày Chính phủ phải trả lời để cơ quan thẩm tra được biết.
|
Toàn cảnh Phiên họp 43 của UBTVQH. |
Cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật thời gian vừa qua là do chúng ta áp dụng song song cả hai nguyên tắc (ưu tiên pháp luật chuyên ngành và ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị phải cân nhắc kỹ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật.
“Nếu chúng ta vẫn lựa chọn áp dụng đồng thời cả 2 nguyên tắc này thì chắc chắn thời gian tới vẫn tiếp tục chồng chéo trong hệ thống pháp luật, do vậy chúng tôi đề nghị chỉ sử dụng 1 trong hai nguyên tắc. Chúng tôi đề nghị nên ưu tiên văn bản pháp luật ban hành sau”.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu, “Tôi thống nhất cao với ý kiến giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga. Nếu chúng ta thực hiện tốt khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 156 thì không vấn đề gì xảy ra.
Trong trường hợp có vấn đề xảy ra thì chúng ta chỉ cần xử lý đối với từng trường hợp cụ thể thay vì khát quát cùng lúc cả 2 nguyên tắc thì sẽ rối thêm và không giải quyết được vấn đề” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Sau khi các thành viên khác cho ý kiến, bà Lê Thị Nga giải thích thêm: Luật BHVBQPPL là luật của làm luật, do đó khi xây dựng luật, trước hết chúng ta phải tuân thủ luật của làm luật.
Các quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 156 liên hệ chặt chẽ với nhau. “Khi xây dựng một văn bản luật, nếu thấy mâu thuẫn thì phải xác định nội dung cần sửa đổi và kéo dài hiệu lực của văn bản mới cho đến khi văn bản cần sửa đổi, bổ sung phải sửa đổi”- bà Nga đề xuất.
Làm rõ một số vấn đề về nguyên tắc áp dụng pháp luật được nêu trong Báo cáo, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, khi chúng ta xem xét, ban hành luật, kể cả giai đoạn Quốc hội ban hành, nếu thấy vấn đề nào đó chưa chuẩn thì có thể yêu cầu sửa đổi, cố gắng thực hiện tốt 2 điều khoản có liên quan, đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan để xử lý từng trường hợp cụ thể.
Nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân khẳng định, việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm tăng cường chất lượng của sự phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, “chúng ta chỉ sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết, bất cập, chứ đừng làm xáo trộn và phức tạp thêm quy trình BHVBQPPL”.