Đóng góp 15 - 18% tổng nguồn thu ngân sách Thủ đô
Theo dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 của Bộ Tư pháp, thực hiện quy định của Luật Thủ đô, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-CP về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP Hà Nội.
UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trong thời gian sớm nhất để cụ thể hóa nội dung điều chỉnh quy hoạch của TP đã được phê duyệt; đáp ứng kịp thời cho yêu cầu về quản lý đất đai, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Việc tổ chức xây dựng, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống thông tin địa lý, thông tin về địa chính, giá quyền sử dụng đất, giá cho thuê đất, thông tin về quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thủ đô đã được thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật Thủ đô.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc tổ chức thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; hằng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hằng năm khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm 15 - 18% tổng nguồn thu ngân sách TP, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng Thủ đô.
Về biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô, TP đã ban hành quyết định về quy định trình tự, thủ tục ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện thu hồi đất, khảo sát, điều tra, kiểm đếm, các biện pháp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và phân kỳ thu hồi đất, giao đất giải phóng mặt bằng.
Về xây dựng giá quyền sử dụng đất, giá cho thuê đất được TP chú trọng, xây dựng kịp thời, đúng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất. Quy định về thưởng tiến độ đã khuyến khích, tạo sự đồng thuận cao trong việc chấp hành, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được thực hiện nhanh và thuận tiện hơn.
Về biện pháp thực hiện quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.
Cho phép Hà Nội được quy định một số biện pháp đặc thù
Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng chỉ rõ, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ: tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì phản ánh, việc tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa nghiêm, chưa quyết liệt và còn hạn chế; vẫn còn tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được kịp thời, toàn diện, không thường xuyên; thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh khi xử lý vi phạm quy hoạch…
Để góp phần hoàn thiện các quy định đặc thù cho Hà Nội, bảo đảm Thủ đô phát triển bền vững, xứng tầm, Luật Thủ đô đang được kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Qua nghiên cứu, tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, UBND TP đã đề xuất 9 chính sách lớn.
Trong đó, tại chính sách về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô, Hà Nội đề xuất cho phép Hà Nội được quy định biện pháp ngoài những quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn TP.
Đồng thời, được ban hành quy định riêng về bảng giá đất, phương pháp định giá đất phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển đô thị Thủ đô và sát với giá thị trường; được sử dụng 100% các khoản thu từ đất đai cho phát triển hạ tầng của Thủ đô; được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt…
Góp ý liên quan đến các quy định về quản lý đất đai, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần thực hiện nghiêm Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành Hà Nội.
Đồng tình, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Vũ Anh Tú, kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện; đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết.