Bộ Tư pháp cho rằng, thực tế thời gian qua một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã có chính sách để thu hút nhân tài nhưng thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là mới chủ yếu tập trung hỗ trợ đầu vào mà nhưng chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, cụ thể hóa chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”, Điều 18 dự thảo Luật quy định cơ chế đặc thù vượt trội để thu hút nhân lực chất lượng cao vào cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô, bao gồm các cơ chế ưu đãi trong tuyển dụng phù hợp; có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng cụ thể, hợp lý; tạo môi trường làm việc tốt để những người có kiến thức, trình độ và kinh nghiệm phát huy được năng lực, sự sáng tạo của mình; bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Theo đó, dự thảo Luật quy định: Người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Dự thảo Luật quy định đối tượng được thu hút sẽ được hưởng các ưu đãi tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác, cụ thể: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội được xét tuyển và tiếp nhận các đối tượng tại quy định nêu trên vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; ký hợp đồng với mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cần sự đảm nhiệm của các đối tượng nêu trên.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài nhà nước, vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm tính liên thông trong tuyển dụng nhân lực giữa khu vực công và khu vực tư, cân bằng thị trường lao động chất lượng cao giữa hai khu vực.
Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu: “Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”. Để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và góp phần thu hút nhân lực chất lượng cao vào cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Để góp phần chuẩn hoá, tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định: Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện được ký hợp đồng lao động làm việc có thời hạn khi có nhu cầu; người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp huyện được giới thiệu người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp phó và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình. Quy định này là một bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tìm kiếm, giới thiệu nhân sự phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.