Một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế (QLT) lần này là bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA). Với động thái này, kỳ vọng cuộc chiến chống chuyển giá sẽ chuyển biến tích cực.
Biếm họa Internet |
Tập đoàn Kinh tế bị “đặc biệt lưu ý”
Trước mắt, năm 2012, ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu thanh tra tối thiểu 1,5% số DN đang QLT (7.802 DN); kiểm tra tối thiểu 12,5% số DN đang QLT (56.496 DN). Đặc biệt, ngành này sẽ tăng cường thanh tra các hoạt động giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá của các DN, mở rộng đối với các giao dịch chuyển giá giữa các DN trong nước, giữa các công ty mẹ, con; các DN trong một ngành hoặc liên ngành; đồng thời đẩy mạnh thanh tra các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm,… để vừa chống thất thu thuế, vừa góp phần bình ổn giá cả thị trường, kìm chế lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lưu ý ngành Thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng ở các tập đoàn, các DN có nhiều thành viên. Đối tượng “ưu tiên” thứ hai là các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của DN liên kết như giá công may…
"Các DN đã và đang thực hiện tái cơ cấu cũng có khả năng lợi dụng chuyển giá để tính tránh thuế..."- Thứ trưởng lưu ý. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Cao Anh Tuấn, ngành Thuế sẽ phối hợp Cục Tài chính DN tham mưu giúp Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành chức năng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty rà soát chấn chỉnh ngay các hoạt động kinh doanh có giao dịch liên kết chuyển giá trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty. Trường hợp cơ quan Thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện có hoạt động chuyển giá tại các tập đoàn, tổng công ty thì người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Lập bộ phận “đặc nhiệm” chống chuyển giá
Tại cuộc họp báo mới đây thông báo về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật QLT, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đây là nội dung được đưa vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật QLT, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2012).
"Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao vì chuyển giá từ giao dịch quốc tế là khá phức tạp, thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận giá mua – bán, khó xác minh bên mua bên bán thực tế tại nước ngoài...
Theo cơ chế này, DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua - bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế, cơ quan thuế (CQT) VN (có thể phối hợp với CQT nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với VN) sẽ giám sát, kiểm soát để chống gian lận chuyển giá..." - ông Tuấn cho biết. Hiện tại, theo ông Tuấn, phương pháp mới này đang được thí điểm đối với một số DN FDI lớn. Samsung là ví dụ điển hình.
APA là một phương pháp QLT hiện đại, tuy nhiên, theo kinh nghiệm các nước, để đi đến được thỏa thuận, thời gian không tính bằng tháng mà có khi hàng năm. Do vậy cùng với việc sửa Luật, ngành thuế đang chủ động tập trung lực lượng cho công tác này.
"Tổng cục Thuế đã có Tổ QLT đối với hoạt động chuyển giá, trong giai đoạn tới, sẽ tiếp tục thành lập bộ phận chuyên trách QLT đối với hoạt động chuyển giá tại một số Cục Thuế quản lý nhiều DN có giao dịch liên kết." - ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng ban Ban Cải cách hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự cho bộ phận chuyên trách QLT đối với hoạt động chuyển giá tại các cấp cũng được ngành thuế đặc biệt quan tâm. Thậm chí, sẽ bố trí kinh phí để mua dữ liệu từ cơ quan, tổ chức bên ngoài để phục vụ cho chông tác chống chuyển giá...
Pháp luật về đầu tư cũng cần được hoàn thiện hơn Theo một chuyên gia trong lĩnh vực FDI, trên thực tế, các hành vi chuyển giá ở các DN FDI phức tạp hơn nhiều và không chỉ thông qua các giao dịch liên kết như lâu nay vẫn hiểu. Đã có DN FDI chuyển giá lãi bằng cách chuyển đổi thành công ty cổ phần và trong quá trình này họ đã định giá không xác thực tài sản, làm tăng lợi nhuận để niêm yết trên sàn chứng khoán; rồi lợi dụng việc chuyển đổi để “tư bản hóa tài sản”, bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi VN... DN cũng có thể chuyển giá thông qua nâng cao giá trị tài sản vốn góp. Theo quy định, nhà đầu tư có thể góp vốn bằng máy móc, thiết bị, công nghệ. Do hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá, thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để so sánh nên giá của các thiết bị này thường bị đẩy cao hơn so với giá trị thực của nó... Do vậy, theo vi chuyên gia này, ngay cả pháp luật về đầu tư cũng cần được hoàn thiện hơn. Được biết, Bộ KH&ĐT cũng đã hoàn thành và trình Chính phủ Đề án Ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại VN. |
Thanh Thanh