Sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Bảo đảm việc triển khai công việc được thông suốt

(PLVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, với mô hình chính quyền cấp xã mới, nhiệm vụ tăng lên đáng kể trong khi bộ máy còn mới và năng lực, trình độ giữa các địa phương chưa đồng đều. Do vậy, cần điều chỉnh quy định để làm rõ hơn trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc giám sát và hỗ trợ cấp xã, bảo đảm quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công được thông suốt, liên tục, ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của người dân và xã hội.
Sáng 7/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV, ngày 7/5, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo Tờ trình Dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC) và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh gồm tỉnh, TP; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo). Đối với ĐVHC kinh tế - đặc biệt, giữ như quy định hiện hành do QH quyết định thành lập. Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Đồng thời, sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Theo đó, về chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.

Chính quyền địa phương cấp xã, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới).

Dự thảo Luật cũng quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về nội dung này, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) và nhiều đại biểu khác bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đánh giá dự thảo Luật đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 2 cấp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Thể hiện rõ hơn nguyên tắc “kiểm soát quyền lực”

Tại phiên họp, quy định về trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trong trường hợp cần thiết, nhất là khi UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đồng tình với việc bổ sung quy định này, Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính linh động trong giải quyết vấn đề phát sinh khi bộ máy chính quyền mới được đi vào hoạt động, dự kiến 1/3 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển lên tỉnh và 2/3 nhiệm vụ chuyển xuống cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)

Bên cạnh đó, trong Đề án sắp xếp ĐVHC do Thủ tướng phê duyệt, chính quyền địa phương cấp tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản còn cấp xã là 7 nhóm. “Khối lượng công việc của mỗi cấp là khá lớn. Do đó, dự thảo Luật cần phải tính toán những quy định mang tính dự báo để bảo đảm việc triển khai công việc ở địa phương được thông suốt, không ảnh hưởng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn đầu, năng lực cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”, Đại biểu nói.

Tuy nhiên, Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể hơn nữa về “trường hợp cần thiết”, tránh tình trạng tùy nghi khi áp dụng; đồng thời cũng để thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh trong bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.

Có chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) nhận định, quy định “trong trường hợp cần thiết” còn chung chung, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã. Theo Đại biểu, trong giai đoạn kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực cho cấp xã, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh. Ví dụ, cấp tỉnh có thể cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, cung cấp hướng dẫn cụ thể, hoặc tiếp nhận nhiệm vụ nếu cấp xã không đủ khả năng. Điều này bảo đảm quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công được thông suốt, liên tục và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của người dân và xã hội.

Theo Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang), dự thảo Luật mới quy định chung về phân quyền nhưng chưa có danh mục cụ thể các nhiệm vụ được phép phân quyền, có thể dẫn đến việc triển khai bị lúng túng hoặc lạm quyền. Do vậy, Chính phủ cần ban hành danh mục cụ thể về các lĩnh vực để có thể phân quyền cho địa phương, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất; đồng thời bổ sung thêm quy định về đánh giá định kỳ hiệu quả của việc thực hiện phân quyền.

Còn Đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn Phú Yên) lưu ý, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương có thể làm gia tăng nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cần bổ sung thêm một khoản tại Điều 4 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn nguyên tắc “kiểm soát quyền lực”, bảo đảm quyền lực nhà nước khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền; tránh tình trạng lạm quyền hoặc thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Đọc thêm