Sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền để bảo đảm đồng bộ, thống nhất

(PLVN) - Tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14/5, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trên thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Hạn chế thấp nhất những “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) và các đại biểu tán thành với việc sửa đổi cơ bản toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) hiện hành; đánh giá hồ sơ dự thảo Luật đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật đã quy định về khái niệm, quy tắc, điều kiện, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành.

Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để có sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp. “Nếu không rà soát hết các quy định của pháp luật chuyên ngành thì ngay kể cả khi Luật này có quy định rõ về phân công, phân cấp, ủy quyền cho CQĐP nhưng nếu các luật chuyên ngành khác có liên quan không đồng bộ, không thống nhất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc, bất cập, thậm chí không thi hành được trên thực tế”, Đại biểu nói.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng cho hay, ngoài những nội dung được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật, cử tri, nhất là đội ngũ cán bộ ở địa phương, cơ sở cho rằng vẫn còn nhiều luật và văn bản quy phạm dưới luật có liên quan khác cần sớm quan tâm, rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế thấp nhất những “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền tại dự thảo sửa đổi Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) chỉ rõ, phân cấp như dự thảo Luật sẽ có 90/99 nhiệm vụ quyền hạn của CQĐP cấp huyện được chuyển giao về cho cấp xã, 9 nhiệm vụ quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Do đó, Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung các điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm việc đẩy mạnh phân cấp Trung ương cho CQĐP và giữa các cấp CQĐP.

Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp khi được phân cấp thực hiện nhiệm vụ song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp và quy định việc giám sát của người dân, các tổ chức và giữa các cấp.

Cần sớm có hướng dẫn triển khai quy định liên thông CBCC

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (CBCC) (sửa đổi). Qua thảo luận, các Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) và nhiều đại biểu khác tán thành với quy định liên thông đội ngũ CBCC từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại phiên họp.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ. “Hiện nay, CBCC cấp xã đang nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ lại là người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng và ít cơ hội thăng tiến, nguồn nhân lực chất lượng khó được giữ chân, càng khó thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở”, Đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu nhận định, việc quy định cơ chế liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ trên toàn hệ thống hành chính nhà nước sẽ giải quyết tận gốc sự phân mảnh trong quản lý nhân sự khu vực công; đồng thời mở ra cơ hội phát triển bình đẳng cho cán bộ cấp xã trên cơ sở năng lực và kết quả công tác, thay vì bị rào cản bởi cấp hành chính.

Quan trọng hơn, cơ chế liên thông sẽ tạo ra một chuỗi phát triển cán bộ từ cơ sở, qua thực tiễn, lên các vị trí cao hơn, thay vì chỉ tuyển chọn “từ trên xuống”. Đây chính là cách để kết hợp đào tạo lý luận với rèn luyện qua thực tiễn - điều mà nhiều quốc gia có nền công vụ hiệu quả như Hàn Quốc, Singapore hay Pháp đã và đang làm rất tốt.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho hay, qua các cuộc khảo sát về Dự án Luật, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, điều mà cử tri quan tâm, lo lắng chính là vấn đề quy định chuyển tiếp để CBCC cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng và chuyển thành CBCC thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi CBCC công tác, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp, bố trí vào vị trí làm việc ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ.

Theo Đại biểu, việc dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp đối với CBCC cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chuyển thành CBCC thuộc biên chế hành chính địa phương nơi CBCC công tác theo quy định của Chính phủ tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ trong việc thực hiện sắp xếp cán bộ cấp xã hiện nay. Do vậy, Đại biểu đề nghị sớm có hướng dẫn triển khai đồng bộ với lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thống nhất thực hiện.

Đọc thêm