Theo Bộ Công an, qua hơn 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo số liệu thống kê trong gần 6 năm, từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ, tịch thu 17.460.000 tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong đó, đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỷ đồng (bao gồm số tiền là tang vật, phương tiện vi phạm và số tiền thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, thiếu những quy định cụ thể về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ
Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung 6 điều và bãi bỏ khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; sửa đổi, bổ sung các quy định về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời hạn tạm giữ.
Đặc biệt, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ; quy định cụ thể hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đưa vào lưu hành phương tiện vi phạm đang được giao giữ, bảo quản thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện sẽ xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định
Dự thảo cũng quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh để thi hành quyết định xử phạt. Trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi đã trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
Việc sửa đổi Nghị định theo Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đồng thời, tránh gây phiền hà trong việc tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.