Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 1: Quan điểm “trả lại cho xã hội những công dân tốt” của Trại Phú Sơn 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lâu nay, một số người vẫn nghĩ thế giới phía sau cánh cổng trại giam chỉ là không gian u ám với áo sọc, kỷ luật nghiêm khắc, là cuộc sống “trừng phạt” với những người từng có hành vi tội lỗi. Sự thật là có rất nhiều câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an ngày đêm xây dựng môi trường trại giam khang trang, lành mạnh; giúp hành trình phục thiện của những người từng lầm lỗi bớt chông gai và không còn xa thăm thẳm; là những phạm nhân thực sự phục thiện, hướng thiện, nỗ lực để một ngày gần nhất trở lại hòa nhập xã hội...
Trại giam Phú Sơn 4 hiện đang quản lý khoảng 6.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (Ảnh: Ngọc Nga)
Trại giam Phú Sơn 4 hiện đang quản lý khoảng 6.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (Ảnh: Ngọc Nga)

Nếu cho rằng những ngày tháng trong trại giam là khoảng ký ức cần nhanh chóng chôn sâu, xóa bỏ của những người từng chấp hành án tù, thì đó là quan niệm không đúng. Với nhiều người làm lại cuộc đời sau thời gian cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4 (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), đó lại là quãng thời gian đáng nhớ, trân trọng.

Nhiều biện pháp giáo dục đa dạng

Có dự một cuộc hội ngộ của những người từng là phạm nhân tại Trại Phú Sơn 4; hiện sinh hoạt trong "Hội nhóm Phú Sơn 4"; mới thấy sự gắn kết của các thành viên ra sao. Hoàn thành thời gian cải tạo tại Trại Phú Sơn 4, trở lại xã hội, họ tổ chức gặp mặt định kỳ, thường xuyên tâm tình, trao đổi, chia sẻ, động viên nhau.

Thành viên Lương Mạnh Hùng (họ tên đã được thay đổi - NV) cho biết, sau khi chấp hành án tù, anh từng rất khó khăn khi kiếm việc làm. Được sự động viên, hỗ trợ của gia đình và "Hội nhóm Phú Sơn 4", hiện anh đang có công việc ổn định ở một Cty xây dựng tại Hà Nội.

Nói về lý do “Hội nhóm Phú Sơn 4” thành lập, các thành viên cho biết, quãng thời gian cải tạo trong trại, nhờ sự cảm hóa của cán bộ nên các phạm nhân đã biết thấu hiểu, gắn bó với nhau. Họ cũng hiểu hoàn cảnh của nhau nên thấy cần phải chia sẻ, bù đắp những thiếu hụt của nhau, để cùng làm lại cuộc đời.

Ban đầu nhóm chỉ có 10 người, hiện đã có khoảng hơn 300 thành viên ở khắp cả nước. Mỗi năm, hội nhóm sẽ tổ chức gặp mặt ít nhất 1 lần ở một tỉnh, thành nào đó. Trong những câu chuyện ngày gặp lại, không bao giờ thiếu những kỷ niệm rưng rưng khi họ còn ở "ngôi nhà chung".

“Đó là nơi tôi đã được cơ hội làm lại một lần nữa, nhờ sự ân tình của của các cán bộ quản giáo, đã giúp tôi hiểu ra những sai lầm của mình, sống sao cho xứng đáng một lần được làm người chốn nhân gian”, một thành viên kể.

Từ những câu chuyện của “Hội nhóm Phú Sơn 4”, chúng tôi đã tìm tới địa chỉ đặc biệt này. Tại Trại giam Phú Sơn 4 ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị xác nhận về hoạt động kết nối của những người đã hoàn thành thời gian cải tạo tại trại. “Trong số họ, có nhiều người đã làm lại cuộc đời rất thành công. Họ vẫn liên lạc với lãnh đạo, cán bộ trại, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống, thậm chí vẫn xin những lời tư vấn, định hướng của các CBCS khi có những trở ngại”, Đại tá Lượng cho hay.

Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4. (Ảnh: Xuân Trường)

Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4. (Ảnh: Xuân Trường)

Nói về lý do khiến các phạm nhân đã hoàn thành thời gian cải tạo vẫn còn giữ liên lạc với Trại, theo Đại tá Lượng, Trại giam Phú Sơn 4 luôn xác định công tác giáo dục phạm nhân là cảm hóa họ từ những người vi phạm pháp luật ngoài xã hội, sau đó lại trả lại cho xã hội những công dân tốt. Ngoài việc giúp các phạm nhân nhận ra lỗi lầm, cán bộ quản giáo luôn động viên, khích lệ, giúp họ yên tâm cải tạo, học tập, lao động sản xuất.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Trại áp dụng nhiều biện pháp giáo dục đa dạng, tổ chức nhiều hoạt động cho các phạm nhân. Hàng năm, Trại tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phát động nhiều cuộc thi như viết báo tường, khát vọng hoàn lương, các cuộc thi năng khiếu hội họa, câu đối…

Với môi trường cải tạo giáo dục rất nghiêm khắc nhưng đậm chất nhân văn, thành tích của Trại ngày càng được nâng cao. Hiện tại tỷ lệ phạm nhân vi phạm trong trại đã giảm, chỉ còn 0,1% so với các thời kỳ trước. Con số này thể hiện các phạm nhân đã tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào sự giáo dục của các CBCS quản giáo.

Sự thật thì người quản giáo không khô khan, lạnh lùng, mà phải có sự tận tâm, chu đáo trong công việc; đồng thời phải là người gần gũi, nắm bắt tình cảm, chia sẻ động viên các phạm nhân. Phải có tinh thần trách nhiệm, sự cảm thông, yêu thương, sẻ chia của cán bộ quản giáo, mới góp phần giúp các phạm nhân phục thiện, hoàn lương, sớm hoà nhập cộng đồng, trở về xã hội làm những người có ích và coi Trại là một mái ấm đã từng sống.

Các đơn vị, cá nhân ủng hộ hơn 20.000 đầu sách cho các thư viện (Ảnh: Xuân Trường)

Các đơn vị, cá nhân ủng hộ hơn 20.000 đầu sách cho các thư viện (Ảnh: Xuân Trường)

Luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống

Đại tá Lượng cho biết, Trại giam Phú Sơn 4 có diện tích khoảng 500ha, hiện tại quản lý khoảng 6.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Các phạm nhân được chia ra 6 phân trại, trong đó có 1 phân trại nữ.

Với những thành tích đạt được, Trại giam Phú Sơn 4 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; nhiều danh hiệu Huân chương Lao động, Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…

Trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, các CBCS gặp một số khó khăn, vất vả. Số lượng phạm nhân đông, nhưng theo chỉ tiêu, số lượng CBCS ngày càng giảm. Do ngành nghề đặc thù nên CBCS ít có thời gian dành cho gia đình. Nhiều CBCS có vợ chồng ở xa, phải đi biền biệt vài tuần, vài tháng, thậm chí là nửa năm mới về. Có những chuyện cảm động như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, người cha ở quê của Giám thị Lê Đình Thanh qua đời, nhưng ông gạt nước mắt không về, vái vọng cha, ở lại Trại ưu tiên cho công tác chống dịch.

“Thời gian đó, hai năm trời chúng tôi ăn Tết trong Trại, không về nhà, chỉ gọi điện được cho cha mẹ. Con cái ở với ông bà ở quê, thiệt thòi vì không có cha mẹ ở bên như những đứa trẻ khác”, Đại tá Lượng nói.

Đại tá Lượng cho hay, hiện nay điều khó khăn nhất Trại giam Phú Sơn 4 gặp phải là việc giáo dục, cải tạo, chữa trị cho khoảng 70 phạm nhân bị rối loạn tâm thần. Nhiều người trước đây có tiền sử sử dụng ma túy, khi vào Trại không có đủ điều kiện để điều trị, chữa bệnh. Khi các phạm nhân này lên cơn thì hành vi khó lường.

Một buổi kiểm tra phạm nhân khi đi lao động, cải tạo về tại Phân trại số 2. (Ảnh: Hồng Quân)

Một buổi kiểm tra phạm nhân khi đi lao động, cải tạo về tại Phân trại số 2. (Ảnh: Hồng Quân)

Về cơ sở vật chất, Phân trại số 3 và 4 đều đã xuống cấp. Riêng Phân trại số 5 chưa được đầu tư nhiều, nên nơi đây quản lý các phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng và cải tạo tiến bộ.

Khó khăn, nhưng CBCS Trại giam Phú Sơn 4 vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, để Trại thực sự là nơi làm lại cuộc đời của những phạm nhân từng có hành vi lầm lỗi.

Đại tá Lượng mong muốn thời gian tới các cơ sở giam giữ sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác quản lý giam giữ; quan tâm chế độ chính sách đặc thù cho CBCS; tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCS Trại giam để các hoạt động giáo dục phạm nhân ngày càng nền nếp; tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động của phạm nhân; làm cho phạm nhân tin tưởng vào chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước; yên tâm cải tạo, chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ.

(Còn tiếp)

Đọc thêm