Đánh mất gia đình, đưa vợ con vào vòng lao lý
Ngồi đối diện với phóng viên trong phòng hội trường phạm nhân của Phân trại số 1, Trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) là một người đàn ông có làn da ngăm ngăm rám nắng và mái tóc đã dần ngả hết sang màu trắng bạc. Phạm nhân tên Nguyễn Văn V (SN 1952, quê ở Hà Nội). Ông đã rất háo hức kể về việc ông sắp được mãn hạn tù để tái hòa nhập cộng đồng.
Đôi mắt mơ hồ như tìm vào vùng ký ức, phạm nhân kể: Ông sinh ra và lớn lên ở vùng có nông sản đặc sắc nên từ nhỏ đã biết phụ giúp bố mẹ làm những công việc đồng áng. Năm 1969, 17 tuổi - ông đã xung phong đi lên Điện Biên theo diện tăng cường xây dựng Tây Bắc và được làm việc ở Đội xe của Ty Xây dựng (nay là Sở Xây dựng) thuộc khu tự trị Thái – Mèo. Nhiệm vụ của ông là lái xe và sửa chữa xe cho cả Đội. Tại đây, ông đã gặp vợ ông đang làm việc ở Tổ Xây dựng, và đem lòng yêu mến. Họ đã xây dựng nhà riêng ở Điện Biên, kinh tế khá giả cùng 2 cô con gái xinh đẹp ngoan ngoãn.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho đến một ngày, bạn bè rủ rê ông V thử chơi thuốc phiện và dần dần ông đã lún sâu vào “cái chết trắng” đến nỗi không thể thoát ra. Mặc dù vợ con ông đã động viên ông, nhưng ông không vượt qua được cám dỗ. Bất lực, năm 1993 vợ ông ly hôn giữ lại 2 người con gái ở với mình.
“Thời điểm ấy, tôi vẫn còn rất yêu gia đình nên khi ly hôn tôi để lại nhà cửa, không mang theo bất cứ tài sản nào mà chỉ lặng lẽ ra đi với hai bàn tay trắng.” – Ông V ngậm ngùi nhớ lại.
Sau khi ly hôn, ông V đi thi công cho Công ty số 3 của Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) và sau đó gặp bà Mai Thị Q đang đi buôn cá và đã đem lòng yêu thương. Thời điểm này bà Quy đã qua một đời chồng và sống cùng một cô con gái là Lưu Thị P.
Tưởng cuộc đời đã sang một trang mới, nhưng ma túy vẫn không buông tha ông. Hay nói đúng hơn là ông đã không đủ bản lĩnh để rời xa ma túy mà còn lún sâu hơn vào con đường tội lỗi với những lần buôn bán, trao đổi heroin.
Đến ngày 30/6/2007, ông V, bà Q và cả P đã bị bắt vì ma túy. Sau đó, ông V và bà Q bị xử phạt mỗi người 30 năm tù cho ba tội danh: Mua bán trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép chất ma túy và Tàng trữ, lưu hành tiền giả. Còn P thì bị xử phạt 11 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Mỗi một lần nhắc đến mẹ già và con nhỏ, phạm nhân 72 tuổi lại cúi mặt trầm tư. |
Đếm từng ngày để về xin lỗi mẹ
Nói về quãng đường đời của mình, ông V rơm rớm nước mắt, hai bàn tay đan xoắn xuýt vào nhau như cố kiềm chế cảm xúc: “56 tuổi tôi chấp hành án tù 30 năm, tư tưởng tôi chán nản cứ nghĩ rằng cuộc đời này tôi sẽ chết ở trong trại giam không được gặp mẹ tôi lần cuối mặc dù đến năm nay bà đã 107 tuổi rồi”.
Nhớ lại thời khắc “vật lộn” với những cơn nghiện, ông V không khỏi kinh hãi kể lại: Lúc mới vào trại giam, tôi thường xuyên bị những cơn thèm ma túy hành hạ đến mất ăn, mất ngủ. Do nghiện ma túy nên tôi bị nhiễm HIV, thể lực nhanh chóng bị suy kiệt nghiêm trọng.
Được đưa vào diện cai nghiện ma túy, ông V được dùng thuốc và ăn uống đầy đủ nhưng mỗi lần lên cơn ông V lại khiến cả trại kinh hoàng.
“Mỗi lần lao động cải tạo, mới cầm cuốc xới được vài chục cái người tôi đã toát hết mồ hôi. Không chỉ như vậy, chân tay tôi rã rời, hoa mắt chóng mặt, quay cuồng trong cơn thèm ma túy” – ông V bàng hoàng kể lại với phóng viên về quá trình cai nghiện.
Nhiều lúc lên cơn nghiện, nằm quằn quại trong trại giam ông V lại gọi cán bộ quản giáo đến thều thào nói rằng chắc mình không qua khỏi.
Ấy vậy nhưng, cuộc đời luôn có những điều kỳ lạ. Phạm nhân Nguyễn Văn V đã được gặp điều kỳ lạ ấy trong trại giam.
Điều kỳ lạ đã khiến khi gặp phạm nhân Nguyễn Văn V, phóng viên không nghĩ ông đã 72 tuổi đời và đã là “con nghiện” ma túy lâu năm mà chỉ thấy trước mắt là một người đàn ông khỏe mạnh, cao to, mặc dù đầu tóc đã bạc.
Việc thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của ông V là nhờ điều kỳ lạ đến từ các cán bộ quản giáo của trại giam Yên Hạ. Ông V thành thực với phóng viên rằng “Nếu không có sự giáo dục, động viên, hỗ trợ và cho tôi môi trường cải tạo tốt của các cán bộ thì tôi đã không có tư tưởng thoải mái như ngày hôm nay, ba năm đầu vào trại tôi nghĩ mình đã chết ở đây nên thường vi phạm kỷ luật. Sau đó, cán bộ giúp tôi thức tỉnh, tôi hiểu ra bản thân mình đã đánh mất đi gia đình một lần và đẩy vợ con vào đường lao lý thì không thể để mẹ già phiền lòng thêm nữa. Ngày 30/5/2024 tôi sẽ mãn hạn tù, tôi đang đếm từng ngày để được trở về với xã hội, điều đầu tiên tôi muốn làm là về nhà quỳ xuống xin lỗi mẹ tôi sau đó tôi sẽ đến xin lỗi các con của tôi…”
"Gót chân A-sin" của phạm nhân nhiễm H
Trao đổi với Phóng viên, Trung tá Nguyễn Chí An – Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ Trại giam Yên Hạ cho biết, thời gian đầu phạm nhân V mới vào các cán bộ quản giáo đã phải rất vất vả đồng hành cùng phạm nhân này. Bởi khi phạm nhân nhiễm H, họ thường có tâm lý tiêu cực, bất cần đời, không phối hợp cải tạo.
Trong quá trình cai nghiện cho phạm nhân V, các cán bộ đã phải tiếp xúc nhiều ngày và chủ động tìm hiểu suy nghĩ nội tâm của phạm nhân để biết ông ấy đang nghĩ gì, đang trăn trở như thế nào nhằm có những biện pháp tác động hợp lý. Quá trình làm công tác tâm lý tới phạm nhân, các cán bộ quản giáo đã tìm ra "gót chân A-sin" của phạm nhân này đó là tình yêu, nỗi nhớ mẹ già và các con.
“Sau khi đã nghiên cứu thật kỹ hồ sơ về phạm nhân V, các cán bộ đã tìm gặp và phối hợp với gia đình, thân nhân phạm nhân để có một cách giáo dục, cảm hóa phù hợp. Quan trọng nhất là cán bộ quản giáo phải là người trực tiếp đấu tranh khai thác, trao đổi, tâm sự, chia sẻ, động viên để có thể hiểu hơn hoàn cảnh và nguồn cơn mới đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp.
Về mặt lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, để một phạm nhân có tuổi như ông V thay đổi theo chiều hướng tích cực, cải tạo tốt, Ban Giám thị cũng như các cán bộ quản giáo đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian. Để giáo dục và cảm hóa phạm nhân V thì phải dùng yếu tố tình cảm là quan trọng nhất, trong đó có sự tác động của thân nhân gia đình từ mẹ già đến con nhỏ cho tâm lý phạm nhân thức tỉnh, hướng về nẻo thiện.” – Trung tá An cho hay.