Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 2: Bình yên lớp học xóa mù chữ ở Trại giam Yên Hạ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từng được gọi là "trại giam khó khăn nhất phía Bắc", nhưng tâm huyết, mồ hôi, công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cùng các phạm nhân từng chấp hành án nơi đây đã đổ xuống, làm đất cằn ngời lên màu xanh hy vọng, để Trại giam Yên Hạ (Sơn La) bình an như ngày hôm nay.
Thiếu tá Hoàng Đình Công, cán bộ Đội tham mưu, Trại Giam Yên Hạ giới thiệu Phòng truyền thống của Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Ngọc Nga
Thiếu tá Hoàng Đình Công, cán bộ Đội tham mưu, Trại Giam Yên Hạ giới thiệu Phòng truyền thống của Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Ngọc Nga

Cuộc chuyển mình từ một vùng đất khó

Trại giam Yên Hạ hiện đang quản lý, giam giữ trên 3.000 phạm nhân, trong đó phần lớn phạm nhân liên quan đến ma túy. Thượng tá Nguyễn Anh Đức (Phó Giám thị); Thượng tá Đỗ Huy Nam (Đội trưởng Đội tham mưu); Trung tá Nguyễn Chí An (Đội trưởng Đội giáo dục, Hồ sơ) nở nụ cười như làm dịu mát cái nắng đầu mùa hạ.

Thượng tá Đức giới thiệu, Trại giam Yên Hạ (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an, đóng tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) chính thức ra đời và có tên gọi Trại cải tạo Yên Hạ kể từ 12/11/1964 với nhiệm vụ giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Thời kỳ này, CBCS của đơn vị có 42 người (41 nam, 1 nữ), được biên chế thành 2 lực lượng là Cảnh sát và Công an vũ trang.

Ngày 31/1/1966, Uỷ ban hành chính Khu tự trị Tây Bắc có Quyết định 27/UB-QĐ chuyển giao Trại cải tạo Yên Hạ thuộc Khu Công an Tây Bắc quản lý cho Ty Công an tỉnh Nghĩa Lộ quản lý. Tháng 4/1967 Trưởng ty Công an Nghĩa Lộ có Quyết định 36P/TCCB thống nhất sáp nhập Trại cải tạo Yên Thượng vào Trại Yên Hạ, giữ nguyên tên gọi chung là Trại cải tạo Yên Hạ. Lúc này số CBCS của trại có 76 người; số lượng phạm nhân tăng (sau khi sáp nhập trại quản lý gần 2.000 phạm nhân), trại phải phân tán lẻ thành các khu để quản lý, giam giữ.

Đường đi lại đều phải luồn rừng, lội suối, leo đèo, vượt dốc nên gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc quản lý chặt chẽ đối tượng trong phạm vi rộng là một nhiệm vụ nặng nề và thử thách lớn với Trại. Do phạm nhân đông, CBCS thiếu nên có người phải phụ trách quản lý hơn 100 phạm nhân.

Phạm nhân học nghề làm mộc. Ảnh: Ngọc Nga

Phạm nhân học nghề làm mộc. Ảnh: Ngọc Nga

Đầu năm 1968, theo yêu cầu công tác giam giữ, Bộ Nội vụ quyết định chuyển giao Trại cải tạo Yên Hạ thuộc Ty Công an tỉnh Nghĩa Lộ cho Cục quản lý Trại giam quản lý. Đến 1984, Trại được chuyển giao Công an tỉnh Sơn La quản lý. Tháng 7/1996, Trại được chuyển giao về Cục Quản lý Trại giam, cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng (V26), sau này là Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) quản lý; hiện nay là Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (C10).

Hiện nay, Trại giam Yên Hạ có 1 khu trung tâm chỉ huy, 3 phân trại, quản lý trên 3.000 phạm nhân. Trong những năm qua, số lượng phạm nhân vào Trại liên tục tăng, nhiều người là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá hiểu biết pháp luật còn hạn chế; số phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh lao và các bệnh xã hội khác trước khi vào Trại chiếm tỷ lệ cao…

Nhớ về những ngày đầu về công tác tại đây, Thượng tá Đức nói: “Ngày đó tôi mới chỉ là lính nghĩa vụ, khi nhận công tác về đây, còn chưa có điện, ngày nắng thì cháy da, cháy thịt, ngày rét thì lạnh căm căm. Bây giờ tại các phân trại, cơ sở vật chất đã được nâng cao. Dù so với những trại giam khác có thể chưa bằng, nhưng đã đỡ vất vả hơn ngày trước “một trời, một vực””.

Đại tá Nguyễn Ngọc Chiến - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Yên Hạ và các phạm nhân chụp ảnh lưu niệm trong một Hội nghị gia đình phạm nhân.
Đại tá Nguyễn Ngọc Chiến - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Yên Hạ và các phạm nhân chụp ảnh lưu niệm trong một Hội nghị gia đình phạm nhân.

Tiếng đọc bài đánh thức bình minh

Một trong những điểm đặc trưng của Trại giam Yên Hạ, là lớp học xóa mù chữ. Nhiều phạm nhân thụ án tại đây là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ mù chữ khá cao. Hiện tại, trong hơn 3.000 phạm nhân, có tới hơn 400 người mù chữ và tái mù chữ. Vì mù chữ, nên sự hiểu biết về pháp luật càng hạn chế.

Lớp học xóa mù chữ được chính thức tổ chức tại trại từ 2011. Ban Giám thị đã phối hợp Phòng GD&ĐT huyện Phù Yên quyết tâm mang cái chữ đến cho các phạm nhân. Giáo trình được Phòng GD&ĐT cung cấp theo chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn 2011 - 2018, Trại tổ chức mỗi năm 1 lớp, mỗi lớp khoảng 35 - 40 người. Giai đoạn từ 2018 đến nay mở thêm 1 lớp, nghĩa là có 2 lớp. Tổng số người tham gia lớp học xóa mù chữ tính đến nay khoảng hơn 600.

Hơn 10 năm nay, các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, tiếng đọc bài đều đều vang lên từ hội trường của trại giam đánh thức bình minh dậy. Nhiều phạm nhân đã biết đọc, biết viết, hoàn thành bài kiểm tra bảo đảm đủ điều kiện hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1.

Trại còn thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho phạm nhân như: Ngày hội đồng hành cùng thanh niên, Ngày hội gia đình các phạm nhân… Tại chương trình, Ngày hội gia đình các phạm nhân, vào ngày này, người thân các phạm nhân sẽ đến, được gặp nhau cùng ngồi trong hội trường, được CBCS chia sẻ, nhận xét quá trình cải tạo.

Trại giam Yên Hạ phối hợp tổ chức Ngày hội đồng hành cùng thanh niên tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.
Trại giam Yên Hạ phối hợp tổ chức Ngày hội đồng hành cùng thanh niên tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.

Trong Phòng truyền thống của Trại giam Yên Hạ, trưng bày nhiều tư liệu từ khi trại được thành lập, những bằng khen, giấy khen, thể hiện sự nỗ lực của các CBCS nơi đây. Nhiều hình ảnh minh chứng cho sự cố gắng của các CBCS Trại giam Yên Hạ trong những năm tháng gian khổ; từ những ngày khó khăn chưa có điện, thiếu nước, lối đi còn đầy sình lầy, cây cối um tùm. Thế nhưng, tâm huyết, mồ hôi của tập thể CBCS và phạm nhân ở đây đã đổ xuống đất cằn để màu xanh sự sống ngời lên nơi núi rừng xa vắng. Ngày hôm nay, cơ sở vật chất Trại giam Yên Hạ đã được cải thiện, khang trang, sạch đẹp hơn, hỗ trợ quá trình cải tạo của các phạm nhân đang nỗ lực hối cải, làm lại cuộc đời.

(Còn tiếp)

Đọc thêm