Từ khi thành lập, riêng BCĐTW đã theo dõi, chỉ đạo 353 vụ án, trong đó đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 152 vụ án với 1.557 bị cáo.
HĐXX các cấp đã thực hiện chính sách hình sự rất đặc biệt với những bị cáo trong các vụ tham nhũng, tiêu cực đã xét xử. Cụ thể, trong số 1.557 bị cáo trong các vụ thuộc diện BCĐTW theo dõi và đã được xét xử sơ thẩm, chỉ có 0,7% bị tuyên tử hình.
Như vậy, cũng đã có mức án cao nhất được tuyên, song tỷ lệ này chỉ chiếm con số nhỏ. Trong khi đó, phần lớn mức án được áp dụng nằm trong khung từ 12 tháng đến 20 năm tù, chiếm 89,3%.
Ngoài ra, số bị cáo được hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, có 3 trường hợp đã được miễn trách nhiệm hình sự tại tòa.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, xử lý nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng mà bảo đảm xử lý đúng bản chất vi phạm; xử lý công khai, không úp mở, không giấu giếm, không có “án bỏ túi”; thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt, việc xử lý nghiêm minh cũng là để đối tượng vi phạm nhìn nhận đúng lỗi lầm của bản thân. “Trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã xét xử, tất cả bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, các cơ quan và xin lỗi cả những bị can, bị cáo vì họ mà khiến những người từng là đồng đội, đồng nghiệp phải vào tù”, ông Yên nói.
Một điểm đặc biệt khác, điển hình như trong vụ liên quan Cty Việt Á, chủ trương phân hóa xử lý của BCĐTW đã đem lại kết quả rõ nét. Các cơ quan đã phân hóa rõ, xử lý nghiêm với trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp làm trái để trục lợi trong bối cảnh chống dịch. Còn những trường hợp vì nhiệm vụ chung, chống dịch để cứu người, thể hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên và không có động cơ vụ lợi, nếu theo quy định pháp luật hiện hành là có tội, nhưng nhờ có chủ trương phân hóa xử lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở chính trị, thực tiễn để quyết định hình thức xử lý phù hợp nhất.
Ví dụ cụ thể như một cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật một tỉnh phía Nam được miễn trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Dù có sai phạm, nhưng vị này từ chối nhận lợi ích từ Việt Á. Quá trình xét xử, vị này thừa nhận sai phạm, nhưng được xác định vô tình vi phạm, không có yếu tố vụ lợi, đã “dám nghĩ, dám làm” vì sức khỏe của Nhân dân, vì vậy được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Những số liệu, thực tế, ví dụ cụ thể nêu trên cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước ngày càng đạt nhiều hiệu quả; thực sự tác động cảnh tỉnh đến mọi cán bộ; góp phần quan trọng hình thành nên một xã hội văn minh “không muốn, không dám” tham nhũng, tiêu cực trong một tương lai không xa.