Sức mạnh nhân dân

(PLO) - Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa bế mạc. Chúng ta tin “Sẽ có bước chuyển quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn trong phòng, chống tham nhũng”.
Sức mạnh nhân dân

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tổng thể nhiều giải pháp. Đặc biệt, nêu rõ vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2011, trang 419).

Vâng, không có nhân dân nào không ghét cay, ghét đắng tham nhũng. Bởi đó là kẻ thù nội xâm, đe dọa sự “tồn vong” của chế độ.

Nhưng vấn đề là làm như thế nào để “biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi” trong công tác PCTN? Không có cách nào khác là phải có đầy đủ hành lang pháp lý, như chúng ta thường nói. Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN đã thống nhất đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Luật PCTN (sửa đổi) bảo đảm khả thi và hiệu quả; sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, Luật Thanh tra, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong PCTN. Sẽ còn nhiều Luật phải nghiên cứu sửa đổi để phát huy “sức dân” trong PCTN, có thể đó là Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân...

Thực ra, khi xây dựng Luật PCTN, “vị trí” của nhân dân đã được xác định. “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng” – Điều 6 Luật PCTN (Luật số 55/2005/QH11); “Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” – Khoản 1, Điều 64; “Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật” – Điều 67.

Nhân dân còn có thể thông qua các thiết chế dân chủ khác để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong PCTN. Đầu tháng 01/2018, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020. Rõ ràng là, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thiết chế thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì PCTN mới may ra đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Đọc thêm