Sức mạnh từ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái

(PLVN) - Phong trào tương thân tương ái hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được thể hiện bằng nhiều phương thức đa dạng theo tinh thần người có công góp công, người có trí tuệ góp ý kiến, người có của cải đóng góp vật chất... Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Một chuyến tàu chở hàng ủng hộ người dân các địa phương đang có dịch tại miền Nam.

Giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ

Thưa ông, các địa phương đang khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 42, Nghị quyết 68) và Quyết định 23 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để đảm bảo các chính sách đến được tận tay người gặp khó khăn, MTTQ đã phát huy vai trò giám sát thế nào?

- Đây là các chính sách rất nhân văn, kịp thời, thể hiện tinh thần sẻ chia của Đảng, Nhà nước với người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ngay sau khi có Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam (BTT) đã hiệp thương thống nhất cùng các tổ chức thành viên ban hành Hướng dẫn số 70 hướng dẫn các địa phương tham gia vào quá trình triển khai và giám sát quá trình thực hiện.

Mục tiêu của việc giám sát lần này nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ được nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; ngăn chặn việc trục lợi từ việc thực hiện chính sách. Thông qua quá trình giám sát sẽ phát hiện ra những điểm hạn chế, bất cập trong chính sách cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Đồng thời, thông qua việc giám sát sẽ phát hiện ra những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có cách làm rất nhanh, rất hiệu quả, không có biểu hiện trục lợi và nhận được sự tin tưởng, đồng tình của nhân dân với chính sách.

Cụ thể những khó khăn tồn tại là gì, thưa ông?

- Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của MTTQ các cấp qua hoạt động giám sát, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, khó khăn nhất định. Cụ thể, các chính sách trong Nghị quyết 42 không bao trùm hết các đối tượng hoặc với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Việc đi lại, nộp hồ sơ của người được thụ hưởng cũng gặp khó khăn. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chưa đầy đủ, thiếu kịp thời. Một số cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin hỗ trợ còn thiếu sót về chuyên môn, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong quá trình triển khai.

Từ những ý kiến phản ánh này, BTT đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương để có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng vẫn đúng quy định pháp luật; và hạn chế, ngăn chặn việc trục lợi chính sách.

Ông Lê Tiến Châu

Cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà

MTTQ đã tổ chức Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam ruột thịt vượt qua đại dịch COVID-19”. Hình thức phân bổ và giám sát sẽ được MTTQ thực hiện như thế nào để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân?

- BTT đã thống nhất với các cơ quan về số phần quà đại đoàn kết, phương thức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan... Trước mắt, sẽ phấn đấu vận động ít nhất 1 triệu phần quà đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng.

Ngay sau khi phát động Chương trình vào ngày 25/8/2021, Ban Cứu trợ Trung ương đã chuyển kinh phí về các địa phương được phân bổ đợt 1, với số tiền 117 tỷ đồng. Giá trị mỗi phần quà trị giá tối đa là 300 ngàn đồng, mức cụ thể bằng với mức của từng địa phương đang thực hiện. Thành phần của mỗi phần quà có thể bằng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh hoặc tiền mặt, do địa phương quyết định.

Về cách thức triển khai hỗ trợ, BTT đã hiệp thương với các tổ chức thành viên tham gia chương trình và thống nhất giao MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ và chính quyền cùng cấp chuyển những phần quà này đến tận tay người dân đang gặp khó khăn. Là những người luôn gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mỗi cán bộ MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định được những đối tượng ở địa phương thực sự cần sự hỗ trợ. Đồng thời, với sự chủ trì của MTTQ các cấp, sẽ khắc phục được tình trạng trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng hỗ trợ.

Thủ tục để được nhận phần quà ra sao, thưa ông?

- Để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân gặp khó khăn, BTT chủ trương cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà. Chỉ cần có chữ kỹ của chính quyền địa phương và cán bộ MTTQ khu dân cư là người dân có thể tiếp cận được những phần quà có ý nghĩa này.

Trong quá trình triển khai hỗ trợ, BTT và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Các thông tin về kế hoạch hỗ trợ cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân tại cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện hỗ trợ.

Ai cũng có thể góp công, góp của, góp trí tuệ

Vai trò của MTTQ cơ sở đã phát huy như thế nào trong quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh vừa qua, thưa ông?

- MTTQ đã phối hợp cùng với các tổ chức thành viên chỉ đạo toàn bộ hệ thống từ Trung ương tới tận cơ sở, tuyên truyền cho người dân hiểu được việc phải tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, thực hiện đúng các yêu cầu của chính quyền và hướng dẫn của ngành Y tế…

Khi hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên đến tận cơ sở thì đồng thời rà soát các đối tượng để nắm bắt được nhu cầu của từng người dân, trên cơ sở đó vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, sự hỗ trợ của MTTQ và các tổ chức thành viên tại các địa phương đang làm rất tốt.

Tại các địa phương chưa bị giãn cách, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và phía Bắc có rất nhiều hình thức hỗ trợ, vận động để đưa hàng ngàn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Qua những việc làm ý nghĩa này đã thể hiện sâu sắc truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của mỗi người dân Việt Nam trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Nói đến truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, ông có thể cho biết MTTQ Việt Nam đã xây dựng những chương trình như thế nào để phát huy sức mạnh này?

- Ngay từ khi đại dịch bùng phát, MTTQ đã có nhiều hội nghị hiệp thương thống nhất với các tổ chức thành viên, tổ chức nhiều hình thức như các cuộc vận động, các chương trình... Các tổ chức thành viên cũng có nhiều chương trình hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch MTTQ đã hai lần ra lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Qua thống kế, số tiền đóng góp qua hệ thống MTTQ hiện trên 7.000 tỷ đồng. Trong đó 80% đã được chuyển tới Quỹ Vaccine, số còn lại hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu, các bệnh viện. Cùng với đó là chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết”; 100 ngàn suất ăn cho mỗi địa phương…

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các tổ chức thành viên thực hiện thật tốt chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết”. Không phải chỉ có 1 triệu mà hàng triệu phần quà như hàng triệu trái tim hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt, lan tỏa tình cảm, sự quan tâm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để giúp bà con miền Nam vững tin vượt qua khó khăn đại dịch.

Dịch COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp, theo ông, cần phải xây dựng tinh thần đại đoàn kết từ mỗi cá nhân như thế nào để phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp chiến thắng dịch bệnh?

- Theo tôi, tùy vào điều kiện, khả năng của từng tổ chức, cá nhân, ai có khả năng như thế nào thì đóng góp như vậy. Hiện phong trào tương thân tương ái hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được thể hiện bằng nhiều phương thức đa dạng theo tinh thần người có công góp công, người có trí tuệ góp ý kiến, người có của cải đóng góp vật chất... Người dân không có điều kiện thì đóng góp bằng cách tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, ai ở đâu ở yên đó, vận động người thân cùng chấp hành nghiêm việc này; đề cao tinh thần cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm