Sức sống mới cho xiếc Việt ở đề tài chính luận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Những tiết mục xiếc kết hợp với các giai điệu cách mạng, khán giả đã hưởng ứng nhiệt thành, khiến các nghệ sĩ rất xúc động. Đây là động lực để chúng tôi kiên định tiến thêm một bước nữa làm các chương trình nghệ thuật mang tính giải trí nhưng trong đó có tính chính luận, giáo dục và nhân văn sâu sắc” - NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.
Một tiết mục trong chương trình “Đi cùng năm tháng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. (Ảnh: LĐXVN)
Một tiết mục trong chương trình “Đi cùng năm tháng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. (Ảnh: LĐXVN)

Tiết mục xiếc hòa với những giai điệu cách mạng

Trong năm 2025, Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ trình diễn chương trình gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đó là, chương trình “Bản hùng ca đất nước” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra ngày 19/4, tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội). Chương trình do Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp với Truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện, mang đến cho khán giả những tiết mục xiếc người, xiếc thú kết hợp với những giai điệu cách mạng. Dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức biểu diễn xiếc với chủ đề “Sen” vào ngày 17 - 18/5. Chương trình “Đi cùng năm tháng” nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ có chủ đề “Ký ức Trường Sơn” từ ngày 25 - 27/7/2025. Chương trình “Tia nắng bình yên” dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 16 - 17/8/2025, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. “Tia nắng bình yên” sẽ khắc họa, tôn vinh chân dung của bốn lực lượng: Phòng cháy, chữa cháy; Chống ma túy; Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông. Dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đơn vị sẽ tổ chức biểu diễn chương trình xiếc, ca nhạc tổng hợp mang chủ đề “Tôi yêu Việt Nam”…

Ngoài ra, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như “Những cánh hồng bay” nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, “Gala xiếc và ảo thuật ba miền”, xiếc chào đón Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu hướng đến khán giả nhỏ tuổi, “Nối vòng tay nhân ái” gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc có hoàn cảnh khó khăn, “Những ước mơ xanh” tôn vinh các nhà giáo, “Vui Noel và chào đón năm mới”. Đáng mong chờ trong năm 2025 còn có vở diễn “Trần Nhân Tông” tôn vinh Phật hoàng Trần Nhân Tông với sự kết hợp giữa xiếc và cải lương, có tham vọng đưa đi biểu diễn tại nhiều địa phương trong nước và quốc tế. Tại sân khấu vuông mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ có các hoạt động biểu diễn định kỳ phục vụ du lịch như “Sông trăng show”, “Không muốn cũng phải cười”…

Liên đoàn Xiếc Việt Nam liên tục đổi mới và cho ra đời những tiết mục, chương trình xiếc mới, được dàn dựng công phu theo hướng hiện đại, đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đặc biệt, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng luôn đầu tư và xây dựng các tiết mục tham gia liên hoan xiếc quốc tế quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.

Cần có chế độ đãi ngộ với những nghệ sĩ xiếc

Năm 2024, Liên đoàn đã tham dự và giành nhiều giải thưởng cao trên trường quốc tế. Theo NSND Tống Toàn Thắng, trong các cuộc thi, liên hoan xiếc quốc tế, về mặt kỹ thuật, các nghệ sĩ Việt không thua kém các nghệ sĩ xiếc quốc tế, nhưng chúng ta có lợi thế hơn bởi sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, biểu diễn luôn độc đáo và đậm bản sắc dân tộc là điều xiếc Việt được hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao.

Có thể thấy, ngành Xiếc Việt Nam có không ít nghệ sĩ tài năng, nhưng để các tài năng ấy bứt phá hơn nữa trên trường quốc tế thì còn cần nhiều nỗ lực. Các lãnh đạo ngành Xiếc rất trăn trở, khi xiếc là một loại hình nghệ thuật chuyên biệt, đặc thù, tuổi nghề của các nghệ sĩ rất ngắn, mức độ rủi ro cao. Hơn nữa, yêu cầu tuyển chọn đào tạo lại ngặt nghèo, trong khi đãi ngộ chưa tương xứng, ít nghệ sĩ xiếc sống được bằng nghề.

Có tận mắt chứng kiến những buổi tập của các nghệ sĩ xiếc mới thấy rằng nghề xiếc vất vả như thế nào. Là công việc đòi hỏi sự rèn luyện về cơ bắp và không thể làm giả được, bởi thế, tất cả các động tác đều dù tập luyện cũng cần tập trung trí lực cao. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ cũng có thể gây tai nạn, chấn thương tàn phế, thậm chí mất mạng. Để tập luyện được một tiết mục khó, nghệ sĩ có thể mất đến vài năm mới thành công.

Đặc thù nghệ sĩ xiếc rất vất vả, lao động cường độ cao nhưng khi tốt nghiệp trường xiếc, mức lương nghệ sĩ trẻ chỉ là bậc trung cấp, mức lương khởi điểm hạng 4 - quá thấp so với tài năng, cống hiến của họ. Bên cạnh đó, chế độ bồi dưỡng chưa được thỏa đáng để ngành Xiếc có thể kêu gọi, thu hút được nhân lực trẻ, tài năng. Và khi hết thời kỳ đỉnh cao, nghệ sĩ xiếc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ban, Bộ, ngành để có cơ chế đặc thù, mức lương bảo đảm cuộc sống. NSND Tống Toàn Thắng cùng các nghệ sĩ xiếc mong mỏi để nghệ thuật xiếc phát triển mạnh mẽ và bền vững cần có sự thay đổi trong chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ sĩ.

Đọc thêm