Sững sờ trước tội ác của gã sinh viên ĐH Quy Nhơn

Chỉ đến khi nhận được hung tin Đặng Văn Cửu (SN 1989), sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Quy Nhơn, đã bắt cóc đứa trẻ vô tội 8 tuổi rồi sát hại dã man và “ôm cục nợ” 60 triệu đồng tiền cờ bạc, ông Đặng Văn Sóng (SN 1956, ngụ xã Ia Yok, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai) tất tưởi đón xe xuống nơi con học thì mới biết, từ ngày xa nhà, Cửu lao vào những tệ nạn nơi đô thị và biến chất thảm hại.  

Chỉ đến khi nhận được hung tin Đặng Văn Cửu (SN 1989), sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Quy Nhơn, đã bắt cóc đứa trẻ vô tội 8 tuổi rồi sát hại dã man và “ôm cục nợ” 60 triệu đồng tiền cờ bạc, ông Đặng Văn Sóng (SN 1956, ngụ xã Ia Yok, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai) tất tưởi đón xe xuống nơi con học thì mới biết, từ ngày xa nhà, Cửu lao vào những tệ nạn nơi đô thị và biến chất thảm hại.

“Con dại cái mang”
Chiều 16/11, sau khi vượt hơn 200 cây số từ Gia Lai xuống Quy Nhơn (Bình Định), người cha đã tức tốc dò hỏi để tìm đến nhà của cha đứa bé để xin được thắp nén hương cho cháu bé đã bị con trai ông sát hại vào chiều 11/11.
Trước khi đi, ông Sóng đến cơ quan công an phường Ngô Mây nơi xảy ra vụ việc để nhờ dẫn đến nhà nạn nhân vì sợ “trong lúc tang gia bối rối, lỡ họ bức xúc quá sẽ gây khó khăn” nhưng được chỉ sang công an phường Nguyễn Văn Cừ (khu vực nhà nạn nhân) nhưng cuối cùng cũng không được trợ giúp. Không còn cách nào khác, ông Sóng đành liên hệ với một số người quen nhờ ngỏ ý trước với người nhà rồi mới đến.
Hiện trường vụ giết người.

17g ngày 11/11, gia đình anh Cường nhờ Cửu đến Trường tiểu học Ngô Mây đón con mình là cháu Nguyễn Việt Dũng (SN 2003, học lớp 3G). Tuy nhiên, Cửu đã không đưa cháu bé về nhà mà chở vào sâu trong một khu núi, trói cháu bé lại.

Thấy cháu bé vùng vẫy rồi ngã xuống sườn núi, hắn đánh nhiều nhát vào đầu nạn nhân. Tên sát nhân dã man thấy bé vô tội đã chết thì lấy lá cây phủ lên che đi rồi dùng một sim điện thoại khuyến mãi nhắn tin cho cha nạn nhân: “Con trai ông đang nằm trong tay tôi, đừng nói với ai hết, nếu không con ông không về được với ông đâu”.

Sau đó, hắn quay về báo với cha cháu bé là đến trường tìm không thấy cháu. Một ngày sau đó, công an đã triệu tập Cửu để điều tra và 14h ngày 13/11, tên sát nhân khai nhận toàn bộ hành vi tội ác, chỉ nơi giấu thi thể nạn nhân.

Ông Sóng cảm động rơi nước mắt khi biết rằng gia đình nạn nhân sẽ tiếp ông lúc 17h. Vừa đến nơi, người đàn ông tội nghiệp liền đến bên nơi thờ cháu bé thắp nén nhang rồi quỳ thụp xuống nức nở không nói nên lời.

“Đứng trước di ảnh của cháu bé, tôi không thể nào nghĩ được vì sao đứa con trai ngày xưa ở quê vốn hiền lành của mình lại hành động một cách tàn nhẫn như thế”, ông nói.

Thấy ông Sóng khóc, người mẹ của nạn nhân cũng không cầm được nước mắt.

Ông Sóng nói như thanh minh cho con: “Hồi đó tới giờ ở địa phương, nó là một đứa hiền lành, đàng hoàng, lễ phép. Thế nên khi nghe tin cháu nó phạm tội tày trời, cả thôn cả xã kéo đến hỏi cho ra nhẽ. Người thì không tin, người thì trách sao tôi thiếu quan tâm cháu, người thì chia sẻ vì con đã lớn lại được ăn học thì ai đâu mà ngờ đến việc này”. 

Người cha của hung thủ trút bầu tâm sự: “Tôi nghĩ nó đã sa ngã vì bị bạn bè lôi kéo nên bỏ bê việc học. Tôi chỉ biết cháu bị học lại một năm, còn việc bỏ học và được gọi là học sinh cá biệt ở trường thì không hề hay biết”. “Đúng ra nhà trường cần có liên lạc với gia đình thì biết đâu tôi còn uốn nắn nó kịp, đằng này gia đình tôi không hề hay biết gì cả…”, người cha bỏ lửng câu nói.
Còn động cơ gây án nào khác?
Anh Nguyễn Việt Cường (SN 1977, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn và là chủ một khách sạn tại Quy Nhơn), cha của cháu bé bị học trò mình sát hại cho biết, từ khoảng hai năm nay anh nhận Cửu vào làm thêm tại khách sạn với công việc lễ tân. Do vừa là chỗ quan hệ làm việc, lại nể tình thầy trò nên anh cho Cửu ăn ở luôn tại khách sạn, mỗi tháng trả thêm 500 ngàn đồng. Do đã ly hôn với vợ nên anh Cường cho Cửu sống chung với mình và con trai trong một phòng ở khách sạn.
Một nhân viên lễ tân khách sạn nơi hung thủ đang làm việc và sinh sống bất ngờ: “Trong quá trình làm việc, Cửu rất hiền lành và luôn được mọi người tin tưởng. Ông chủ luôn xem Cửu như em trong nhà. Mọi người luôn tin tưởng nhau, vậy mà không hiểu sao Cửu lại sát hại dã man con trai ông chủ như thế?”.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, Cửu cho rằng trong thời gian làm việc và ở lại khách sạn với anh Cường, hắn thường bị “ông chủ kiêm thầy giáo” mắng: “Ngu như bò” nên rất ấm ức. Gần đây, Cửu thi lại thiếu điểm nhiều môn, y nhờ thầy giáo giúp đỡ nhưng bị từ chối, tiếp tục bị mắng: “Ngu như bò” và còn hăm dọa không cho thi tốt nghiệp. Hắn khai nhận: “Vì vậy nên có ý định bắt con thầy giáo giấu đi để đe dọa”.
Tuy nhiên, làm việc với cơ quan điều tra, Cửu cũng khai nhận đang nợ tiền do thua cá độ bóng đá 41 triệu đồng. Tình tiết này khiến nhiều người nghi ngờ Cửu bắt cóc cháu bé là do trong lúc túng quẫn, bị các chủ nợ thúc ép nên hắn “làm liều” bắt cóc nạn nhân rồi “lỡ tay” gây án mạng?.
Cũng theo xác định của cơ quan điều tra, trước đó gã sinh viên này cũng đã thua cá độ bóng đá dẫn đến nợ nần 60 triệu đồng và lưu ban một năm học. Tuy nhiên, sau đó hắn tỏ vẻ hối hận, hứa sẽ tu chí làm lại từ đầu nên gia đình đã cho tiền để trả hết nợ và tiếp tục học tiếp, không ngờ Cửu lại “ngựa quen đường cũ”. 
Lời nhắn gửi muộn màng
Cả đêm sau khi đến thắp hương cho nạn nhân về, người cha quê mùa của hung thủ không tài nào chợp mắt. Khuya ông ngồi trong căn phòng trọ tranh thủ viết vội cho con trai vài chữ để hôm sau có thể được thì xin cán bộ trại giam gửi vào cho con trai.
Vừa sáng ra, ông đã vội vã đến Công an tỉnh Bình Định để xin được thăm con. Tuy nhiên, do trong quá trình điều tra nên theo quy định, người nhà không thể gặp mặt nhưng cán bộ trại giam cho phép gửi tiếp tế. Thế là ông Sóng vội vàng chạy ra chợ, mua vội cho con mấy thứ đồ ăn để con lót dạ mỗi khi đói lòng. Riêng mấy lời tâm sự với con viết vội, ông không thể gửi vào trại giam vì quy định cấm nhắn gửi thông tin cho các đối tượng đang trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Sóng cứ mân mê tờ giấy ghi lời nhắn với vẻ tiếc rẻ vì ông muốn nó đến được với con trai để “phần nào động viên nó và mong nó hãy biết ăn năn hối cải, khai đúng sự thật để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật”. Tôi đề nghị được đọc những dòng này, ông nấn ná nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý vì theo ông, nếu làm cha làm mẹ có con rơi vào hoàn cảnh nay, ai cũng mong muốn con mình hãy thành khẩn.  
Những dòng chữ liêu xiêu hiện ra trên trang giấy xé vội: “Ba và gia đình luôn ở bên con. Hãy bình tĩnh vì mọi chuyện nó cũng đã xảy ra rồi. Ba và gia đình cũng rất đau lòng. Việc của con thì để pháp luật xem xét, tuy nhiên về phần gia đình, ba má và mấy anh chị dù biết con sai con vi phạm pháp luật nhưng “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Mong con hiểu con phải cố gắng đừng để ba má và gia đình buồn thêm một lần nữa. Ba đã đến thắp hương cho cháu bé và chia buồn cùng gia đình cháu rồi. Ba gửi thêm cho con ít tiền, khi nào hết thức ăn, con có thể nhờ mấy chú, mấy anh giữ trại mua giúp cho con bánh ngọt, mì tôm, sữa…”.
Tôi hỏi ông: “Như công an đã điều tra và bác cũng đã nói, con bác từng bị lưu ban, từng bắt nhà trả nợ cả mấy chục triệu tiền thua bạc, vậy sao bác không quản lý chặt chẽ con hơn mà thậm chí đến bây giờ vẫn còn nuông chiều con đến vậy?”. Ông lão lặng lẽ quay mặt đi không trả lời.
Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm