SUNHOUSE GROUP: Niềm tự hào thương hiệu gia dụng Việt!

(PLVN) - Với quy mô 8 cụm nhà máy sản xuất và kinh doanh gần 1.000 mã sản phẩm, SUNHOUSE hiện đứng số 1 về nhóm ngành hàng đồ gia dụng trong nước. Đó là thành quả đáng tự hào của một doanh nghiệp Việt sau hành trình 20 năm nỗ lực phấn đấu, gây dựng và phát triển…

Thành công đầu tiên đến từ những chiếc chảo chống dính…

Nhà máy sản xuất đồ gia dụng đầu tiên của SUNHOUSE được thành lập năm 2003, là thành quả liên doanh với SUNHOUSE Hàn Quốc. Thời điểm đó, việc sản xuất ra một chiếc chảo chống dính tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ lẻ và đặc biệt là chất lượng không ổn định, chất liệu chống dính không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bằng cách “nhập khẩu” cả công nghệ sản xuất từ Hàn Quốc, SUNHOUSE tiên phong cho ra hàng ngàn chiếc chảo vừa an toàn lại bền đẹp, phù hợp với nhu cầu sử dụng của phần đông người tiêu dùng Việt.

Sau đó, năm 2005, SUNHOUSE tiếp tục đưa dây chuyền công nghệ Anod lạnh tiên tiến nhất Đông Nam Á về Việt Nam, cho ra những chiếc nồi nhôm bền cứng và bắt mắt hơn rất nhiều so với nồi nhôm truyền thống. Đây là vật dụng quen thuộc nhất trong căn bếp gia định Việt thời bấy giờ. Dần dần nhà máy SUNHOUSE mở rộng ra thêm các dây chuyền sản xuất nồi cơm điện, ấm siêu tốc, bếp gas, bếp điện, máy lọc nước… 

Tính đến nay, SUNHOUSE đang kinh doanh gần 1.000 mã sản phẩm trên nhiều nhóm hàng, không chỉ gia dụng nhà bếp.Sản phẩm của SUNHOUSE đã hiện diện trong hơn 20 triệu gia đình, từ căn bếp ra phòng khách, phòng ngủ… và thậm chí hỗ trợ công việc kinh doanh của người tiêu dùng. 

 

Khó khăn không chùn bước!

Sự bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020 đã mang lại những thách thức chưa từng có, được dự báo sẽ có những tác động đáng kể đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Không tránh khỏi những tác động đó, SUNHOUSE cũng vừa phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, an toàn cho người lao động, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh ngắn hạn để thích ứng nhanh chóng với bối cảnh kinh doanh bất lợi.

Tuy nhiên, ông Lê Tùng – Giám đốc Marketing Tập đoàn SUNHOUSE cho rằng, dịch Covid-19 chỉ là một trong những biến động thị trường buộc bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động kinh doanh cũng phải luôn có dự phòng và tìm phương thức thích ứng, nhằm đảm bảo được mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. 

Không bi quan trước tác động của đại dịch, ông Lê Tùng đã chia sẻ với phóng viên những chiến lược dài hơi đã được doanh nghiệp chuẩn bị bài bản để từng bước trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu, vươn tầm quốc tế.

Theo đó, cách đây 3 năm, SUNHOUSE đã có một quyết định mang tính bước ngoặt - đầu tư nguồn vốn khổng lồ vào mở rộng hệ thống nhà máy mới, đầu tư vào hoạt động R&D nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của dòng sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xây dựng quy chuẩn sản phẩm xuất khẩu đạt chuẩn Quốc tế.

“Hiện DN đang tập trung vào thay đổi hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho sản phẩm. Cụ thể, SUNHOUSE đã mời các chuyên gia đầu ngành từ Hàn Quốc về hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu R&D (lương cao bằng lương của huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo), đào tạo nhân sự công nghệ cao và sắp xếp hệ thống kiểm tra chất lượng luôn hoạt động ở công suất cao nhất” - ông Tùng cho biết.

 Ông Lê Tùng – Giám đốc Marketing Tập đoàn SUNHOUSE

Mạnh mẽ vươn xa!

Trong chiến lược phát triển mới của SUNHOUSE không thể không nhắc tới nhà máy vi mạch Narae Sunhouse System và nhà máy SUNHOUSE Lighting. Trong đó, nhà máy Narae Sunhouse System có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG… Narae Sunhouse System được SUNHOUSE phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: 5 line SMT với công suất 210.000 sản phẩm/tháng; Giai đoạn 2: 10 line SMT với công suất 500.000 sản phẩm/tháng.

Việc sở hữu nhà máy vi mạch giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, từ đó chủ động hơn trong khâu xây dựng tiêu chuẩn và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm. SUNHOUSE sẽ nâng tầm thương hiệu trong thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu được sản phẩm đến những thị trường khó tính.

Còn với nhà máy sản xuất bóng đèn Lighting, SUNHOUSE đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị từ các phòng lab uy tín nhất thế giới để kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra (test muối, test chống nước, test quang thông, tiếp điện, dòng rò….). 

 

Lấy chất lượng sản phẩm đầu ra làm kim chỉ nam, Tập đoàn SUNHOUSE tập trung xây dựng và quản lý chất lượng học hỏi cách quản lý chất lượng từ những thương hiệu lớn của thế giới. Trong những minh chứng thành công bước đầu, giữa năm 2019 SUNHOUSE đã thành công trong việc xuất khẩu lô hàng bóng đèn LED đầu tiên đi Bắc Mỹ - một thị trường nổi tiếng khó tính với những tiêu chuẩn về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Như vậy, với việc rót số vốn rất lớn, tạo ra những quy trình đầu tư vô cùng bài bản vào hai nhà máy vi mạch và bóng đèn nói trên, SUNHOUSE hiện đang sở hữu cụm 8 nhà máy sản xuất trên tổng diện tích gần 100.000m2, có thể tự chủ được hầu hết các công đoạn hình thành nên sản phẩm. Điều này cũng cho thấy chiến lược dài hơi của doanh nghiệp trước những thách thức bất khả kháng như Covid-19.

Khi đánh giá về “thương vụ” đầu tư này, ông Lê Tùng cho biết việc xây dựng được bộ quy chuẩn sản xuất cho các nhà máy là một trong những chiến lược kinh doanh nhằm phát triển đồng bộ các lĩnh vực sản xuất mạch, nhựa, cơ khí, khuôn, điện tử điện lạnh của thương hiệu SUNHOUSE. Chỉ khi hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín, làm chủ công nghệ lõi, thương hiệu SUNHOUSE mới có được những bước tiến vững chắc trong tương lai không xa.

Đọc thêm