Syria - Bất ổn sau 7 năm nội chiến

(PLO) - Cách đây 7 năm, ngày 15/3/2011, Syria chính thức bị làn sóng biểu tình “Mùa Xuân Arab” quét qua. Kể từ đó, Syria thực sự rơi vào bất ổn, hỗn loạn liên tiếp với các cuộc biểu tình quy mô lớn, dẫn đến bạo lực, đổ máu... khiến không chỉ khu vực mà cả thế giới phải quan ngại. 
Trẻ em Syria chơi giữa đống đổ nát của chiến tranh. (Nguồn: Getty Images)
Trẻ em Syria chơi giữa đống đổ nát của chiến tranh. (Nguồn: Getty Images)

Sau 7 năm, cuộc khủng hoảng Syria giờ đây đã bị đẩy đi quá xa so với lúc khởi điểm, đi vào một giai đoạn mới khốc liệt với những tầng nấc phức tạp hơn rất nhiều.

Nội chiến bước sang năm thứ 8

Syria là một quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, cộng đồng thiểu số người Alawites, thuộc dòng Hồi giáo Shii’te chiếm khoảng 16% dân số, lại nắm quyền từ năm 1960 với sự tập trung quyền lực trong tay đảng Baath. Quân đội và bộ máy an ninh của Syria cũng được những người Alawites và các thành viên gia đình Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo.

Vốn được xem là nhà nước ổn định nhất trong thế giới Arab, thế nhưng khi cơn lốc biểu tình chống chính phủ lan rộng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thì đất nước Syria cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy của cơn lốc ấy. Ngày 15-3-2011, những người Hồi giáo dòng Sunni ở Syria đã tổ chức biểu tình chống chính phủ, châm ngòi cho những rối ren trong xã hội và các cuộc xung đột sắc tộc. Kể từ đó, Syria rơi vào bất ổn với hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn, dẫn đến bạo lực, đổ máu. 

Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 330.000 người, đồng thời đẩy hơn một nửa dân số trong tổng số 23 triệu người (trước chiến tranh) vào cảnh "không nhà" và thất nghiệp, trong đó khoảng 4,8 triệu người phải lánh nạn ở nước ngoài. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết, khoảng 3 triệu trẻ em Syria đang lớn lên mà không biết gì khác ngoài chiến tranh, gây ra một “cuộc khủng hoảng tinh thần kinh khủng” cho một thế hệ người Syria.

Nhiều bên can dự

Kể từ đầu năm 2014, lợi dụng sự bất ổn ở Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhanh chóng chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và tràn sang Syria. Sau đó, IS nhanh chóng giành quyền kiểm soát nhiều vùng rộng lớn trên khắp Syria. Cuộc nội chiến ở Syria lúc này không còn là chuyện tay đôi giữa chính quyền Assad và phe nổi dậy nữa.

“Vũng lầy” ở Syria đã lôi kéo một danh sách dài những nước can dự, trong đó hầu hết các cường quốc lớn trên thế giới và khu vực đều tham gia hỗ trợ những lực lượng đại diện trong cuộc xung đột ở Syria. Số nước can dự vào Syria quá nhiều như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… và nhiều nhóm vũ trang cực đoan khác.

Tháng 9/2014, Mỹ-Anh và liên minh quân sự quốc tế đã tiến hành can thiệp vào cuộc chiến chống IS ở Syria. Sau đó một năm, tháng 9/2015, theo đề nghị của Tổng thống Syria Assad, Nga cũng đã thực hiện các cuộc không kích nhằm ngăn chặn và tiêu diệt IS tại Syria. 

Một dãy nhà đổ nát ở thành phố cổ Homs
Một dãy nhà đổ nát ở thành phố cổ Homs

Sau hai năm tham chiến, Nga đã giúp Syria giành lại gần như toàn bộ lãnh thổ từ IS. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, quân đội Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Nga, đã giành được nhiều thắng lợi trước tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, giúp đưa cuộc chiến chống IS tại Syria nói riêng và tại Trung Đông nói chung gần đi đến hồi kết.

Nhiều mục tiêu của IS cũng đã bị đập tan, nhiều điểm dân cư then chốt đã được giải phóng và nhiều tuyến giao thông liên lạc chính đã được khai thông. Hàng chục nghìn phiến quân IS cũng đã bị tiêu diệt. Có thể nói, sự can thiệp quân sự kịp thời cũng như sự hỗ trợ vũ khí hiệu quả của Nga đã giúp đảo ngược thế trận, liên tiếp đem lại thắng lợi lớn cho quân đội chính phủ Syria. Khi đó, người ta đã hy vọng rằng, chiến thắng trên chiến trường sẽ tạo tiền đề vững chắc cho tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Syria Assad. 

Nhưng không, con đường hướng tới nền hòa bình lâu dài ở Syria chưa hẳn đã bằng phẳng. Dù IS bị đánh bật hoàn toàn khỏi Syria, song nước này vẫn đứng trước một tương lai bấp bênh. 

Mờ mịt triển vọng đàm phán

Các nhà phân tích cho rằng, chính bởi việc có quá nhiều lực lượng can dự vào Syria đã đẩy đất nước Syria rơi vào tình trạng bị phân tách. Những tưởng việc lực lượng khủng bố IS bị đánh bại tại Syria sẽ mở ra tiến trình chuyển đổi chính trị tại Syria, trước hết là tiến tới một thỏa thuận chính trị nhằm chia sẻ quyền lực giữa các bên, duy trì hòa bình để phát triển đất nước. Song đây cũng chính là thời điểm phơi bày những mâu thuẫn còn tồn tại lâu nay giữa các bên tại Syria cũng như các nước bảo trợ. 

Chính phủ của Tổng thống Syria Assad ngay lập tức phải đối mặt với vấn đề thống nhất đất nước vốn lâu nay bị chia rẽ do mâu thuẫn giữa các phe nhóm, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng địa phương ủng hộ khác nhau tùy theo sắc tộc hay tôn giáo. Và mỗi bên đều có nước ngoài bảo trợ. Trong điều kiện như vậy, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững là nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan.

Xác định đàm phán là con đường duy nhất để giải quyết bất đồng và đi đến thỏa hiệp, trong hơn hai năm qua, các vòng hòa đàm về Syria do LHQ bảo trợ đã diễn ra nhưng chưa có đột phá. Trong bối cảnh đó, Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng trong năm 2017 đã được kỳ vọng có thể đem tới một giải pháp hòa bình và chính trị cuối cùng, chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, mấu chốt khiến các cuộc hòa đàm này chưa đạt được hiệu quả chính là việc phe đối lập Syria không tham dự các cuộc hòa đàm. Nó như một “gáo nước lạnh” dội vào nỗ lực của các bên, khiến cánh cửa đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đang trở nên hẹp hơn. 

Hơn nữa, phải thừa nhận rằng sẽ không dễ để tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề chông gai hiện nay ở Syria khi các bên liên quan đều có những toan tính riêng và nhất là không bên nào muốn từ bỏ “miếng bánh” lợi ích tại Syria.

Cứu hộ một người bị thương nặng trên đống đổ nát sau một đợt không kích tại Salhin, phía bắc Aleppo ngày 11/3. (Nguồn: AFP/Getty)

Nếu trước kia, các bên cùng có mục tiêu chung là đánh bật IS ra khỏi đất nước, thì sau khi lực lượng này bị đánh bại, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng ủng hộ khác nhau, các phe phái tại Syria đều muốn khẳng định mình “trên cơ” trong “bàn cờ” chính trị tại Syria. Chính mâu thuẫn dai dẳng giữa các phe phái tại Syria đã khiến cho các vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ bị thất bại.

Thái độ thiếu hợp tác của phe đối lập Syria trong vấn đề này thực sự đang “phủ bóng đen” lên hy vọng sẽ có cuộc đối thoại dân tộc đầu tiên thành công hay tạo đột phá cho cuộc khủng hoảng Syria. Hơn nữa, đối với Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng, có thể thấy rõ, mối liên kết giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran không thực sự bền chặt do vẫn tồn tại khá nhiều bất đồng, cũng được nhận định sẽ ít nhiều tác động đến việc tổ chức đại hội.

Và những ngày đầu năm 2018 này, “điểm nóng” Syria đã tăng nhiệt trở lại, kể từ sau khi Mỹ quyết định hậu thuẫn lực lượng người Kurd lên kế hoạch thiết lập một lực lượng an ninh biên giới lên tới 30.000 ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 1/2018), kéo theo biện pháp đáp trả từ phía Thổ Nhĩ Kỳ với chiến dịch “Nhành Ôliu” tấn công Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria.

Song song với đó, ở một mặt trận khác-mặt trận Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus-bạo lực cũng đã bùng phát kể từ tháng 2/2018 vừa qua. Xung đột đã bùng nổ dữ dội sau khi Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad điều quân tiếp viện tới khu vực giáp Ðông Ghouta nhằm sẵn sàng giải phóng các vùng lãnh thổ chung quanh Damascus khỏi sự chiếm đóng của phiến quân. Bất chấp lệnh ngừng bắn của HĐBA LHQ, chiến sự tại Đông Ghouta vẫn diễn ra ác liệt.

Tính đến ngày 12/3/2018, quân đội Syria đã giành lại được khoảng 52% lãnh thổ Đông Ghouta. Tuy nhiên, hai nhóm nổi dậy lớn nhất tại Đông Ghouta là Failaq al-Rahman và Jaish al-Islam ngày 11/3 vẫn tuyên bố sẽ chống lại các cuộc tấn công của quân đội Syria.

Có thể thấy, sau 7 năm kể từ khi rơi vào khủng hoảng chính trị, Syria hiện vẫn đang trong tâm điểm của một cuộc xung đột địa chính trị phức tạp và rộng lớn, khó có thể giải quyết bằng vũ lực. Vì vậy, bất kỳ tính toán sai lầm nào của một trong các bên đều có thể khiến quốc gia Trung Đông vốn chìm trong cuộc xung đột kéo dài suốt 7 năm qua này sẽ lại càng lún sâu hơn vào vòng xoáy bất ổn không dễ gì tìm được lối thoát.