Tắc đường mùa thi - 'kỷ niệm' khó quên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng năm, đến kỳ thi vào lớp 10 công lập, thi THPT quốc gia, phụ huynh, học sinh và người tham gia giao thông phải đối mặt với những cung đường tắc đến hàng tiếng đồng hồ. Để có mùa thi trọn vẹn nhất cho các thí sinh, nhiều gia đình, nhà trường phải “đau đầu” để nghĩ ra giải pháp ứng phó.
Tắc đường đã trở thành “nỗi ám ảnh kinh hoàng” của mùa thi. (Ảnh trong bài: PV)
Tắc đường đã trở thành “nỗi ám ảnh kinh hoàng” của mùa thi. (Ảnh trong bài: PV)

“Ám ảnh” trong biển người

Bà Trần Thị Bé (Văn Quán, Hà Đông) cho biết, năm nay bà đưa cháu đi thi vào lớp 10, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội): “6h30 bắt đầu giờ thi, từ 5h sáng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường”. Bà cho biết, càng đến gần điểm thi, các trục đường chính như đường Phạm Văn Đồng, đường Xuân Thủy, đường Cầu Giấy đều ùn tắc. Dù đi sớm gần một tiếng đồng hồ so với thời gian làm thủ tục thi theo quy định của nhà trường, nhưng gia đình bà chỉ đến điểm vừa kịp giờ.

Nguyễn Thùy Linh (THCS Giảng Võ, Hà Nội) năm nay tham dự kỳ thi vào lớp 10 chia sẻ, trước kỳ thi, cô giáo luôn nhắc nhở các em phải đến sớm khoảng nửa tiếng: “Trước ngày thi, em cứ thấp thỏm, lo âu, giấc ngủ chập chờn vì sợ dậy muộn đi vào khung giờ cao điểm, sẽ gặp tắc đường. Ngồi trên xe của bố mẹ đèo đến trường thi, mà em vô cùng sốt ruột trước hàng dài xe cộ ở phía trước”.

Ghi nhận ở điểm thi tại hai Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội Nhân văn (KHXH&NV) thuộc ĐHQG Hà Nội, cho thấy khung giờ đưa thí sinh đến điểm thi và giờ kết thúc mỗi buổi thi là thời điểm các cung đường ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Phương tiện, xe cộ không thể di chuyển trong khoảng một đến hai tiếng đồng hồ.

Bản thân các em học sinh, phụ huynh rất khó khăn để rời khỏi điểm thi về nhà nghỉ ngơi. Ngoài việc ảnh hưởng đến thí sinh và phụ huynh đón con sau buổi thi, việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại cổng trường kéo theo hàng loạt các phương tiện khác đang lưu thông trên đường bị mắc kẹt, không thể di chuyển. Hàng dài xe cộ chen chúc từng mét vuông trong thời tiết nắng nóng gần bốn mươi độ.

Thực tế, không chỉ kỳ thi vào lớp 10, mà kỳ thi THPT quốc gia cũng diễn ra trường hợp tương tự. Mỗi mùa thi, trở thành nỗi “ám ảnh” của những người dân ở gần điểm tổ chức thi. Chị Nguyễn Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị nằm ở khu vực đường Nguyễn Khánh Toàn, gần Trường THPT Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Dịch Vọng, đây đều là những trường thường xuyên được chọn làm điểm thi vào lớp 10 công lập và thi THPT quốc gia. Chị cho biết: “Năm nào tôi nắm rõ lịch thi, giờ thi hơn cả phụ huynh. Vì mùa thi lúc nào cũng tắc đường, tôi phải tính toán giờ giấc đi làm và về nhà sao cho chi tiết, cẩn thận để tránh ùn tắc”. Chị chia sẻ, vào kỳ thi lớp 10 công lập năm ngoái, mất đến gần 20 phút, chị mới có thể di chuyển từ đường Nguyễn Khánh Toàn về nhà (trong khi đường chỉ cách nhà chị có vài trăm mét).

Nguyên do của việc ùn tắc giao thông do các kỳ thi luôn quy tụ số lượng lớn thí sinh tham gia, cộng thêm việc điểm thi tổ chức ở các trường học gần với những trục đường chính, đông người qua lại, thời gian bắt đầu và kết thúc thi sát với giờ cao điểm đi làm, đi chơi của người dân, nên việc tắc đường không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, tháng 5, tháng 6 không chỉ có kỳ thi vào lớp 10 công lập, thi THPT quốc gia, mà còn rất nhiều kỳ thi khác đồng thời diễn ra như thi vào lớp 6 trường chất lượng cao, kỳ thi riêng của các trường đại học... Năm nay, kỳ thi của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trùng với kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, cùng trong một khuôn viên thi, gây ra việc tắc đường trước cổng trường.

Nhiều câu chuyện ùn tắc giao thông “dở khóc, dở cười” trong mùa thi. (Điểm thi THPT Chuyên KHTN)

Nhiều câu chuyện ùn tắc giao thông “dở khóc, dở cười” trong mùa thi. (Điểm thi THPT Chuyên KHTN)

Ngoài ra, một số điểm thi được đặt quá gần nhau, dẫn đến ùn tắc giao thông diện rộng. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, lấy ví dụ ở khu vực Cầu Giấy, ba điểm thi Trường THPT Cầu Giấy, THCS Dịch Vọng, THCS Nghĩa Tân rất gần nhau, cùng thông ra những tuyến đường đông người tham gia giao thông, dẫn đến việc ùn tắc hàng loạt tuyến đường cùng một lúc.

Cho đến những câu chuyện “cười ra nước mắt”

Việc tắc đường tưởng như không liên quan đến các kỳ thi vậy nhưng đã có rất nhiều học sinh, phụ huynh “dở khóc, dở cười” với vấn đề này. Chị Hoàng Thị Bích Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, con chị năm nay thi vào lớp chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên KHXH&NV: “Con tôi để quên thước kẻ ở nhà, đây là một bất lợi vì bài thi môn Lịch sử đòi hỏi phải kẻ bảng so sánh, đối chiếu rất nhiều. Hai mẹ con loay hoay tìm chỗ mua thước kẻ, trong “biển” xe cộ, không thể nhìn thấy bất kỳ cửa hàng nào, cũng không thể chen được qua dòng người”. Chị Hải và con đã nghĩ kỳ thi này sẽ khó thành công. May mắn, cách vài trăm mét, trường THPT Chuyên KHTN cũng đang diễn ra kỳ thi vào 10, tình nguyện viên cẩn thận chuẩn bị thước kẻ, compa, bút bi,... cho những thí sinh không may quên đồ. Chị Hải xin tình nguyện viên hỗ trợ một chiếc thước kẻ. Chị vui vẻ kể lại: “Cũng nhờ sự hỗ trợ từ mọi người, mà con tôi đã thuận lợi đi qua kỳ thi”.

Anh Bùi Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội), có con thi vào lớp 10 năm nay, tại điểm thi THCS Yên Hòa, chủ quan vì nhà gần trường, thương con thức khuya ôn bài vào đêm trước hôm thi, anh đánh thức con dậy muộn hơn nửa tiếng so với giờ giấc mà cả gia đình đã thống nhất: “Tám giờ bắt đầu thi, 7 giờ hai bố con tôi mới lên đường đi. Bình thường chỉ cần 20 phút là tới điểm thi, nhưng hôm đó mất hơn nửa tiếng”. Tám giờ kém, con anh mới cuống cuồng chạy lên phòng thi trong sự hỗ trợ của thầy cô giám thị và tình nguyện viên tại điểm thi. Anh Tùng cho biết, do sự cố đến muộn, con trai giận anh suốt một ngày: “Cuối cùng, kỳ thi trôi qua suôn sẻ, nên hai bố con đã nhanh chóng làm lành với nhau”.

Ngược lại với hai trường hợp trên, Nguyễn Trà My (Hoài Đức, Hà Nội), tham dự kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, nhà xa, sợ tắc đường nên từ 5h30, em và phụ huynh đã có mặt ở điểm thi. Trà My chia sẻ: “Vì đi sớm, nên không có quán xá nào mở cửa. Trời mưa to, hai mẹ con em trú mưa tạm trong khuôn viên của trường. Thời gian chờ lâu, khiến em rất mệt và buồn ngủ”. Đến lúc vào phòng thi, Trà My không hoàn thành bài hết khả năng vì mắt em chỉ muốn nhắm lại để ngủ một giấc thật ngon.

Tắc đường, tưởng chừng là một việc nhỏ, nhưng đang trực tiếp ảnh hưởng đến kỳ thi của rất nhiều thí sinh. Có những em đến muộn giờ thi, thậm chí bị hủy kỳ thi vì tắc đường, lại có những học sinh vì sợ tắc đường nên đi quá sớm dẫn đến tinh thần mệt mỏi không đủ sức hoàn thành bài thi. Đặc biệt, tại nhiều kỳ thi diễn ra trong hai buổi sáng và chiều, một số phụ huynh, học sinh không dám về nhà mà “lang thang” ở các quán xá vì tắc đường không về kịp,...

Muôn vàn cách “chống tắc đường” của phụ huynh. (Phụ huynh ngồi chờ học sinh thi xong tại THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội )

Muôn vàn cách “chống tắc đường” của phụ huynh. (Phụ huynh ngồi chờ học sinh thi xong tại THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội )

Đa dạng cách “chữa cháy” của nhà trường, phụ huynh

Để ứng phó với tắc đường, nhiều trường đã thuê nguyên cả một chiếc xe du lịch 45 chỗ tập trung toàn bộ học sinh tại trường đưa đến điểm thi. Cô giáo Phạm Hồng Nhung, hệ cấp III, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Ở trường của tôi, bố mẹ các em đều là những người làm nông, làm công bận rộn, không có thời gian đưa các em đi thi. Nhà trường sợ học sinh không xử lý được những tình huống xấu khi tự di chuyển đến điểm thi... Hàng năm, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mỗi lớp sẽ có một xe 45 đi kèm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đưa đón đến tận điểm thi”.

Đứng trước kỳ thi quan trọng, phụ huynh có rất nhiều cách để tránh tắc đường vào “mùa thi”. Không ít phụ huynh đã đặt phòng thuê nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn trước cả tháng để thí sinh tiện cho việc đi lại, di chuyển đến điểm thi. Chị Nguyễn Mai Linh (Bắc Giang) cho biết, năm nay con chị thi vào Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, tiện cho việc thi cử của con, chị đã thuê một nhà nghỉ ở gần trường trong hai ngày thi: “Mùng 5/6 bắt đầu thi, từ chiều mùng 4, chúng tôi đã có mặt ở Hà Nội để nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi thi đầu tiên. Trong cả hai ngày thi, mẹ con chúng tôi chỉ mất 10 phút di chuyển từ nhà nghỉ đến trường”.

Ngoài ra, để tránh ùn tắc giao thông, nhiều phụ huynh, học sinh đã lựa chọn đến điểm thi sớm trước một tiếng và ở lại trường đến khi kết thúc buổi thi. Chị Trần Thị Minh (Ba Vì, Hà Nội) có con đăng ký thi Trường THPT Chuyên KHTN cho biết, ngày đầu tiên con chị phải thi cả hai buổi sáng và chiều. Để tiện cho việc đưa đón con đi thi, chị đã túc trực ở trường từ 7 giờ sáng cho đến chiều: “Tôi đã “giữ” sẵn bàn tại một quán cà phê gần trường. Thi xong, tôi lập tức dắt cháu đi ăn uống, ngồi nghỉ ngơi tại quán để chuẩn bị cho môn thi vào buổi chiều”.

Ghi nhận ở nhiều điểm thi cho thấy, để thuận tiện cho việc đưa đón thí sinh, rất nhiều phụ huynh dành cả một ngày trời để “dãi nắng, dầm mưa” ở điểm thi để đợi các em thi xong. Một số trường đã chuẩn bị những chỗ chờ dành riêng cho phụ huynh tránh nóng, tránh mưa.

Mặc dù phụ huynh đã dùng nhiều cách để “chống tắc đường” mùa thi, nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời, rất tốn kém và không phải nhà trường, gia đình nào cũng đủ điều kiện. Chị Mai Linh (Bắc Giang) chia sẻ: “Chỉ trong hai ngày, tôi mất gần chục triệu tiền đi lại, ở nhà nghỉ, ăn uống để giúp cháu hoàn thành ước mơ vào trường chuyên”.

Đọc thêm