Tác giả bị bỏ quên khi “hoa vàng, cỏ xanh” nhận "mưa giải thưởng"

(PLO) - Tác phẩm điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nhận “mưa giải thưởng” tại Liên hoan Phim 2015 vừa qua khi hầu hết ý kiến đều cho là xứng đáng. Tuy nhiên, một câu chuyện ngoài lề lại khiến bớt vui đó là việc cả đoàn làm phim lẫn Ban Tổ chức bỏ quên “cha đẻ” của tác phẩm gốc.
Tác giả bị bỏ quên khi “hoa vàng, cỏ xanh” nhận "mưa giải thưởng"
Nhà văn bị nhà làm phim quên tên
Như dự đoán của nhiều người, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nhận Bông sen Vàng của Liên hoan Phim 2015. Cạnh đó, bộ phim còn được vinh danh ở những hạng mục: Đạo diễn xuất sắc (Victor Vũ), Quay phim xuất sắc (Nguyễn K’Linh). Giải thưởng đã được phần đông công chúng công nhận là sự xứng đáng cho nỗ lực làm nghệ thuật nghiêm túc của ê kíp sản xuất. Nhiều tháng trước đây, khi ra rạp, bộ phim đã bước lên nhóm đầu của phim Việt đạt danh số “khủng”, góp phần thay đổi cách nhìn của nhiều người về phim Việt cũng như tạo nhiều hiệu ứng lan tỏa khác.
Tuy nhiên, nhiều người đã nhận ra tại buổi trao giải không hề có mặt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “cha đẻ” của quyển sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từng được hàng triệu độc giả mến mộ, nguyên gốc của kịch bản phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Trong những lời phát biểu, cảm ơn của nhà sản xuất Đinh Thanh Hương lẫn đạo diễn Victor Vũ cũng không hề nhắc đến tên Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có để tâm và phiền lòng hay không thì chưa biết, nhưng độc giả và bạn văn nghệ của ông thì phật lòng. 
Đoàn phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vui mừng nhận giải thưởng quan trọng nhất của LHP.
Đoàn phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vui mừng nhận giải thưởng quan trọng nhất của LHP. 
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã bày tỏ sự cám cảnh khi cả Ban Tổ chức cuộc thi và đoàn làm phim “làm lơ” người bạn văn của mình. Theo ông, hành động này chứng tỏ sự thiếu trân trọng tác giả, trong khi cái tên và sức ảnh hưởng trước đó của tác phẩm văn học đã phần nào làm nên sự thành công của bộ phim. Đáng ra, hành động đẹp nhất là Nguyễn Nhật Ánh được mời đến tham dự đêm trao giải và có một bó hoa dành cho nhà văn. 
Ý kiến của nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận được rất nhiều đồng tình của các nghệ sĩ lẫn bạn đọc, trong đó không ít người là độc giả trung thành của Nguyễn Nhật Ánh. Sau đó, Nguyễn Đông Thức cho biết, nhà sản xuất Đinh Thị Thanh Hương đã gọi cho ông, khẳng định sự tôn trọng tác giả Nguyễn Nhật Ánh và vẫn muốn tiếp tục dựng phim từ tác phẩm của ông, còn việc bỏ quên trong đêm trao giải chỉ là sự cố do vui và… run quá.
Nên sòng phẳng với nghệ thuật
Tất nhiên, lời giải thích từ phía đoàn làm phim cũng chỉ xoa dịu được phần nào sự bực mình của công chúng. Bởi chuyện “cha đẻ” của các tác phẩm ăn khách bị bỏ quên đã là chuyện không lạ trong giới nghệ thuật – giải trí Việt. Nhiều người đã nhắc lại, điều tương tự cũng đã xảy ra với tác phẩm “Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn. Tác phẩm văn học này được chuyển thể thành bộ phim mang tên “Thiên mệnh anh hùng”. Phim thắng lớn ở rạp và giành giải thưởng cao nhất ở Cánh diều Vàng 2012 cùng nhiều giải thưởng khác. Thế nhưng, hầu hết trong quá trình quảng bá đến các lần cảm ơn, trao giải, công chúng chưa hề nghe nhắc đến tên nhà văn và tác phẩm gốc. 
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã rất nổi tiếng từ trước khi dựng thành phim nên hầu như ai cũng biết đến tác giả Nguyễn Nhật Ánh, nhưng với “Thiên mệnh anh hùng”, đến nay hầu như cũng không mấy người biết đến tác phẩm văn học gốc làm nên thành công bộ phim. Khá nhiều tác phẩm gốc khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, bộ phim được vinh danh, chẳng mấy ai nhắc đến nhà văn nữa.
Chuyện tương tự cũng thường xảy ra trong lĩnh vực âm nhạc. Một thời gian dài trước đây người ta lãng quên nhạc sĩ, bài hát hay, thành “hit” đều gắn liền với tên ca sĩ, và người ca sĩ được coi như “có công” lớn nhất với bản nhạc. Gần đây, khi các nhạc sĩ trẻ bắt đầu biết khẳng định tên tuổi của mình, đòi cho mình những quyền họ xứng đáng có, cất tiếng nói có trọng lượng thì tình hình mới khả quan hơn.
Nhiều người cho rằng, quan trọng là “cha đẻ” của tác phẩm gốc hài lòng, không lên tiếng thì thôi, sao công chúng lại bức xúc? Vả lại, các vị “cha đẻ” này cũng đã nhận được thù lao cho việc mua bản quyền hẳn hoi thì đâu có gì vi phạm hay bất công với họ? 
Thực ra, trong văn chương nghệ thuật, mỗi một tác phẩm ra đời không phải là một sản phẩm để định giá. Điều nên nói đến ở đây là cách cư xử “có trước, có sau” nên hiện diện trong làng văn nghệ. Đó là một sự “sòng phẳng với nghệ thuật” cần có ở mỗi người tham gia vào hoạt động nghệ thuật, hay nói cách khác, là đạo đức nghề nghiệp mà bất cứ ai mang danh nghệ sĩ đều phải hiểu.