Tách doanh nghiệp nhà nước khỏi bộ chủ quản

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cho rằng, để Ủy ban hoạt động hiệu quả cần quan tâm đến vấn đề nhân sự, đồng thời có cơ chế giám sát từ nhiều phía để bảo đảm công khai, minh bạch và không đi vào “vết xe đổ” của cách làm cũ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ có 11 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm tổ trưởng.

Tại buổi họp đầu tiên sau khi thành lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thành lập Ủy ban trong Quý I/2018 để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định ủng hộ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do cơ chế này tách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra khỏi chế độ bộ chủ quản. “Như vậy tránh được tình trạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’, khi cơ quan chủ quản vừa thực hiện quản lý Nhà nước vừa có chức năng hỗ trợ, hậu thuẫn cho DN dẫn đến nhiều quyết định chưa đủ công tâm, cũng như để xảy ra tình trạng làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả gây thất thoát tài sản quốc gia như thời gian qua”.

Tuy nhiên, theo ông Thành, cũng như tiến trình cổ phần hóa DNNN, để việc tập trung quản lý vốn Nhà nước về một cơ quan đại diện duy nhất cần có danh mục và lộ trình rõ ràng, quy định cụ thể các tập đoàn, tổng công ty, DNNN nào sẽ được đưa về để bảo đảm tính thống nhất.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận sự cũng cần được chú trọng, phải tập hợp được các chuyên gia về đầu tư, quản trị, được trao đủ thẩm quyền nhưng đồng thời cũng có đủ năng lực quản lý thì mới có thể vận hành một “siêu” Ủy ban quản lý khối lượng vốn khổng lồ như vậy.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ kỳ vọng Ủy ban sẽ quản lý hiệu quả vốn Nhà nước khi tách trách nhiệm làm chủ sở hữu DN ra khỏi các bộ, để các bộ chỉ tập trung làm tốt công tác quản lý Nhà nước.

“Khi này, lợi ích nhóm sẽ bị xóa bỏ, việc quản lý vốn sẽ được thực hiện một cách chuyên môn, hiệu quả hơn”, ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng nêu ra vướng mắc lớn là số DNNN của việt Nam còn quá lớn, “nếu số lượng DNNN quá đông thì Ủy ban này khó có thể bao quát được hết”. Vì vậy, ông đề xuất bước đầu nên tập trung quản lý vốn những tập đoàn lớn, những DN nhỏ vẫn nên giao về cho các tỉnh, địa phương chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, chỉ để lại khoảng 30 đầu mối thì mới có thể quản lý hiệu quả được.

Đồng thời, để bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban cũng phải chịu sự giám sát, từ nhiều phía như Quốc hội, Hội đồng quản trị, từ các cơ quan khác và chính các DN, người dân, “chứ nếu ‘ngồi trên đống tiền’ như vậy mà thiếu sự giám sát thì rất dễ sa ngã trước cám dỗ”.

Cùng quan điểm coi nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tính hiệu quả của Ủy ban, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm các chuyên gia trong nước và nước ngoài... Tuy nhiên, không nên tập hợp cán bộ theo cách thức cũ, mà phải có cách tiếp cận mới, bên cạnh việc cần trao quyền cũng cần có những quy định, chế tài cụ thể về trách nhiệm cá nhân với mỗi cán bộ, nhất là các nhân lực chủ chốt.

TSNguyễn Trí Hiếu nhận định Ủy ban thành lập là quyết định đúng đắn, trước đây nhiều quốc gia đã làm và thành công, tuy nhiên khác với SCIC, Ủy ban này nhiệm vụ rộng rãi hơn, không những chỉ quản lý tài sản tốt mà còn quản lý tài sản xấu và có thể có chức năng giải quyết các tài sản hiện tại đang thế chấp của ngân hàng, là tài sản bảo đảm cho những món nợ xấu của những DN có vốn Nhà nước, đang bị cầm giữ. Đó là điều không dễ.

Đồng tình với nhiều chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng để Ủy ban hoạt động hiệu quả, không đi vào vết xe đổ của cách làm cũ, nhân sự là rất quan trọng hàng đầu, “phải làm sao tránh được vấn nạn ‘con ông cháu cha’, lợi ích nhóm... để chọn ra những người thực sự có năng lực, thực sự công tâm, đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, lại có kinh nghiệm về kinh doanh từ nhiều ngành”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long thì đặt câu hỏi khi các DNNN trở về dưới sự quản lý tài chính của Ủy ban thì liệu các bộ có còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nữa không, nếu có thì thực hiện như thế nào, phối hợp ra sao để vừa bảo đảm tính hiệu quả lại không gây ra những mâu thuẫn lợi ích.

Đọc thêm