Tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Cao Bằng

(PLVN) - Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ảnh hưởng việc tái đàn lợn, gây áp lực lên việc cung ứng thực phẩm trong hoàn cảnh phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Phun thuốc khử trùng tại địa bàn dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở Trùng Khánh
Phun thuốc khử trùng tại địa bàn dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở Trùng Khánh

Ttheo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng, đến ngày 8/6, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 45 hộ của 18 xã, thị trấn thuộc Thành phố và 7 huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An, Hạ Lang, Thạch An, khiến 188 con lợn mắc bệnh, khối lượng tiêu hủy 6.516 kg.

Anh Đàm Văn Chất, xóm Bản Viết (Trùng Khánh) chủ yếu phát triển kinh tế gia đình từ nuôi lợn. Năm 2019, đàn lợn của gia đình anh buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Chất để trống chuồng 1 năm, đầu năm 2020 mới tái đầu tư nuôi lợn, nhưng sau một thời gian ngắn, 12 con lợn bắt đầu có dấu hiệu ốm. Anh thông báo cho cán bộ thú y đến kiểm tra, kết quả đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) La Văn Hồng cho biết: Sau khi nhận được thông tin dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo ngành chăn nuôi khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn người dân, các trang trại chăn nuôi chủ động tiêm phòng, thực hiện đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp cách ly khi chăn nuôi. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tránh gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, nguyên nhân tái bùng phát dịch bệnh rất khó xác định do sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, người chăn nuôi đã tái đàn trở lại, đa số con giống được mua từ các chợ, thương lái thu gom không rõ nguồn gốc. Người dân mua bán, vận chuyển lợn giống, phương tiện, dụng cụ (xe máy, lồng nhốt lợn con) có thể nhiễm mầm bệnh từ các địa phương khác làm phát sinh dịch bệnh. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn sinh học, phối giống lợn trực tiếp cũng có thể làm dịch bệnh lây lan.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng Hoàng Minh Đạt cho rằng, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát, cần huy động cả hệ thống chính trị và người chăn nuôi vào cuộc; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tái đàn lợn; khuyến khích chăn nuôi lợn trang trại tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với các xã có dịch phải khoanh vùng triệt để, tạm dừng việc tái đàn lợn, tạm dừng việc giết mổ, tiêu thụ lợn thịt, mổ lợn trong thời gian có dịch...

Đọc thêm