Tài chính tiêu dùng: Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển

(PLVN) - Sáng 25/3, tại Hà Nội,  Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm thường niên lần thứ 5 về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”.
Toàn cảnh Toạ đàm
Toàn cảnh Toạ đàm

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp gồm: Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV; ông Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế; ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI; ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT; ông Nguyễn Mạnh Khang – Giám đốc CNTT Mcredit,…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định, qua 4 năm tổ chức, Tọa đàm đã trở thành diễn đàn có ý nghĩa, đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.

“Có những vấn đề mà chúng ta đề cập nhiều năm trước như truyền thông về tài chính tiêu dùng, tỷ lệ an toàn nào là phù hợp trong cơ cấu cho vay tiêu dùng, giải pháp nào để hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen, phương thức thu hồi nợ hợp lý của các công ty tài chính tiêu dùng..., tất cả đến hôm nay đã được hiện thực hóa trong chính sách và thành các chương trình cụ thể trong hành động của cơ quan quản lý”, ông Lê Trọng Minh phát biểu.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Toạ đàm
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Toạ đàm

Đánh giá về sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng, ông Lê Trọng Minh cũng cho biết: “Nhìn lại 1 năm kinh tế Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, và nhìn dài hơn 10 năm phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể thấy, ngoài những kết quả rất đáng khích lệ đạt được thì vẫn cần phải khẳng định rằng, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, hoạt động nội tại vẫn cần phải hoàn thiện....

Trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN 

“Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội”, bà Phạm Thị Thanh Tùng phân tích.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia 

Cụ thể, về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ TDTD cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm – là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%).

“Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc... với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng hơn 10 năm qua giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, thị trường TCTD góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện...

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhận định, Tọa đàm đã nhìn lại 10 năm phát triển rực rỡ của thị trường tài chính tiêu dùng, đồng thời thảo luận một phần nhỏ làm sao để nó có sức sống mới hơn, thuận lợi hơn, đóng góp nhiều hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho công chúng. Đây là những thông tin đầu vào, dữ liệu tham khảo hữu ích trong quá trình xây dựng chính sách cho các nhà hoạch định.

Đọc thêm