Phân bổ nguồn lực đang có vấn đề
Tại hội thảo tham vấn: “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do CIEM phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định đóng góp quan trọng của khu vực FDI vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về vai trò của khu vực DN trong nước.
“Chả nhẽ Việt Nam cứ mãi dựa vào FDI ?”- Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan trăn trở. Bà Lan cho rằng tăng trưởng dù đang ở mức cao, trung bình trên 6%, nhưng nếu loại trừ đi các nhân tố ngoại, GDP trong nước có thể gặp vấn đề. “Vì vậy, chúng ta cần phải tìm cách thúc đẩy và dựa vào nội lực… Cần phải nhìn thẳng vào những chỉ số thành tích, tránh ngộ nhận về những thứ không phải do tự Việt Nam làm ra…”- Bà Lan nêu quan điểm.
“Tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua đã có dấu hiệu suy giảm và thậm chí, có thể trở thành thách thức khó vượt qua nếu tư duy về thể chế kinh tế, quản lý kinh tế của ta không có thay đổi”- TS.Nguyễn Đình Cung cũng tỏ ra sốt ruột.
Theo Viện trưởng CIEM, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực... song việc phân bổ nguồn lực đang có vấn đề. Đó là cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả; các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, Nhà nước sang tư nhân hay khu vực chính thức thành phi chính thức... vẫn đang diễn ra rất chậm; các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
“Việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện tại là thách thức lớn nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế…”- Viện trưởng CIEM thẳng thắn.
Loại bỏ các hành vi độc quyền
Theo báo cáo sơ bộ Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” của CIEM và Aus4Reform công bố, hiệu quả tài chính của DNNN đang giảm dần. Xét trong khu vực DN 100% vốn nhà nước (DNNN), tỷ suất lợi nhuận giảm đều từ năm 2012 đến năm 2016 (ROE giảm 39%, ROA giảm 30%), tỷ lệ DN thua lỗ hàng năm không giảm, luôn có 20% DN không có lợi nhuận; tổng tài sản năm 2016 do DNNN năm giữ là 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 69% GDP, tăng 3,5% so với năm 2015, tổng vốn chủ sở hữu cũng tăng 4,3% so với năm 2015, nhưng tổng doanh thu giảm 1%, lợi nhuận trước thuế giảm 14%, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước giảm 7%.
Theo Viện trưởng CIEM, DNNN nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước, tuy đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước nhưng thực tế hiệu quả hoạt động của khối DN này hiện chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.
“Tôi tính nếu tăng trưởng DNNN tính theo tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản là 4,6%, thì giá trị lợi nhuận gia tăng trong GDP là 0%. Nhưng nếu tăng trưởng DNNN tính theo tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản là đạt được 5 % thì giá trị lợi nhuận gia tăng trong GDP là 0,27%, nếu đạt được mức 6% thì 0,95 % và nếu đạt mức 7% thì đóng góp 1,6 % GDP …”, TS Cung đưa ra các con số.
Theo Viện trưởng CIEM, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, DN thua lỗ, yếu kém, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các DN tốt, DN có tiềm năng phát triển và các dự án đầu tư tốt; tập trung đầu tư vào các DN quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả (đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm). “Không thể phát triển DN nói chung và DNNN nói riêng theo tư duy và cách thức truyền thống, nếu muốn có DN Việt Nam trong top 500 lớn nhất thế giới”., TS.Nguyễn Đình Cung phát biểu.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng cho rằng cần phải loại bỏ hết các khoản trợ cấp (nếu có) đối với DNNN; loại bỏ các hành vi độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên. Ngược lại cần thay đổi những quy định luật pháp đang ràng buộc tính tự chủ của DNNN, cần sửa đổi pháp luật có liên quan theo hướng mở rộng và bảo đảm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của DNNN.“Hãy quản DNNN về kết quả hoạt động chứ không nên quản theo cách muốn họ làm gì và chỉ họ phải làm gì…”- Việt trưởng CIEM lưu ý.
Kết quả sơ bộ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2018 cho thấy, trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ ngành được Nghị quyết 27/NQ-CP đưa ra, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả. Đánh giá chung về 16 mục tiêu, định hướng lớn, CIEM nhận định 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành; 32% có khả năng hoàn thành và 41% mục tiêu sẽ khó hoàn thành.