Nở rộ thần đồng
Sau thành công của Giọng hát Việt nhí 2013, tuy không giành giải nhất nhưng Phương Mỹ Chi đã tạo ra một hiện tượng khiến cho nhiều em bé và cha mẹ bị thôi thúc. Lịch diễn đều đặn, tiền cát – xê liên tục tăng đã giúp Phương Mỹ Chi và gia đình “đổi đời”.
Vậy là, “theo chân” Phương Mỹ Chi, hàng ngàn em nhỏ và cha mẹ chúng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ thành phố đến nông thôn, nô nức đăng ký tham gia các chương trình truyền hình thực tế để hiện thực hóa giấc mơ nổi tiếng.
Đến lượt nhà sản xuất, họ cũng thực hiện đúng chức năng là tìm kiếm và phát hiện tài năng. Giám khảo thi nhau tung hô, đưa thí sinh nhí lên mây xanh với những lời khen nào là tài năng, nào là thần đồng, nào là xuất chúng…
Đức Vĩnh, quán quân Vietnam’s Got Talent 2015 được ví như thần đồng trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian. Các màn diễn tuồng chèo, hát xẩm, chầu văn được cậu bé chưa từng qua đào tạo nghệ thuật cùng lúc thể hiện rất “ngọt”.
Hay hiện tượng Vũ Song Vũ từng gây sốt truyền thông khi em tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2012. Mới 12 tuổi, không học chuyên sâu về tiếng Anh nhưng cậu bé đã khiến ban giám khảo và khán giả “tan chảy” khi thể hiện rất ngọt ca khúc “My heart will go on”.
Hay khi cô bé Nguyễn Thiện Nhân thể hiện “Cô Đôi Thượng Ngàn”, một cách khá điêu luyện và cảm xúc, ngay cả khi được đánh giá là khó với người lớn, thế là cụm từ “thần đồng” được gán cho em.
Thời gian qua, cụm từ “thần đồng” lại được nhắc nhiều để gán với tài năng của cậu bé 9 tuổi Trọng Nhân. Ngay từ tấm bé, Trọng Nhân đã quen với âm thanh của dàn nhạc sống trong quán. Đứa bé tò mò ngắm nghía người lớn chơi đàn, đánh trống.
Đến 4 tuổi, em tự cầm dùi trống, chơi và gõ ra nhịp phách. Cậu bé đó từng được phát hiện trong cuộc thi Nhí tài năng năm 2014 và đăng quang quán quân. Tài năng Trọng Nhân được trình diễn từ cuộc thi này sang cuộc thi khác.
Năm 2015, gia đình tiếp tục cho Trọng Nhân casting chương trình Young hit Young beat, trước khi đăng quang quán quân Vietnam’s Got Talent 2016.
Trên truyền hình, các giám khảo của “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” thi nhau gọi Trọng Nhân là thần đồng, là “báu vật quốc gia”. “Đây là một thiên tài và rất may mắn khi thượng đế đã ban cho Việt Nam. Trọng Nhân mới 9 tuổi mà làm được điều đó, thì với tầm của em phải mang ra những cuộc thi của thế giới để cho người ta thấy em giỏi như thế nào”, lời khích lệ của Trấn Thành dành cho tân quán quân Vietnam’s got Talent.
Qua mỗi mùa gameshow, những thần đồng lại được phát hiện, nếu cứ tính theo những lời nhận xét của giám khảo trên truyền hình thì chúng ta có thể lạc quan là nghệ thuật Việt Nam sẽ tha hồ gặt hái tài năng, khi bé nào cũng được coi là xuất chúng, hiếm có, là “thần đồng hát opera”, “thần đồng piano”, “thần đồng nhảy múa…”.
Nhưng một thực tế là, với sự tung hô, công nghệ lăng xê của truyền hình thực tế, chúng ta mới chỉ có những thần đồng theo chu kỳ, tức là tồn tại theo mùa của gameshow.
Phụ huynh của tài năng nhí Trọng Nhân không muốn gọi con là thần đồng vì họ đơn thuần cho rằng con mình có năng khiếu với trống và phải trải qua sự chỉ bảo, rèn luyện mới có thành quả. |
Làm gì với “báu vật quốc gia”?
Đúng là tài năng của “tay trống” Trọng Nhân là hiếm có, nhưng cha cậu, ông Trọng Nghĩa không muốn gọi con là thần đồng. Vì ông cho rằng con mình có năng khiếu với trống nhưng cũng phải trải qua quá trình luyện tập hằng ngày, được các thầy chỉ dạy mới có được thành công hôm nay.
Đây là lần đầu tiên, một phụ huynh lên tiếng phản đối những danh xưng mỹ miều mà dư luận, truyền thông gán cho con mình. Bởi ông lường trước được câu chuyện dù tài năng thế nào, thì chỉ có rèn luyện và có sự định hướng tốt thì tài năng đó mới được chắp cánh, chứ không chỉ dựa vào những lời tung hô của ban giám khảo để sống trong ánh hào quang sau mỗi mùa gameshow.
Điều ông băn khoăn nhất sau chiến thắng của con, sau khi có giải thưởng 500 triệu đồng là mình sẽ làm gì để con vừa học văn hóa, vừa có thể chơi trống và duy trì sự đam mê. “Vì tài năng bắt nguồn từ đam mê và đam mê là thứ không thể thiếu để chắp cánh cho tài năng phát triển”, bố Trọng Nhân chia sẻ.
Những băn khoăn của bố Trọng Nhân hoàn toàn có cơ sở, vì thực tế tại Việt Nam đã có không ít tài năng nhanh chóng bị lãng quên, hoặc trong tình trạng “sớm nở tối tàn” nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. “Con cò bé bé” Xuân Mai là một ví dụ.
Cô được xem là “thần đồng âm nhạc” từ khi 2 tuổi, với số lượng đĩa bán chạy và lượng xem “khủng” trên Youtube. Tuy nhiên, khi trưởng thành, Xuân Mai với hình ảnh một ca sĩ tuổi teen lại rất mờ nhạt trên “bản đồ âm nhạc Việt Nam” và không thể vượt qua hào quang của chính mình khi còn bé. Một phần vì những biến cố gia đình nên Xuân Mai đã tạm gác lại công việc ca hát để học văn hóa.
Không đình đám như Xuân Mai, nhưng cậu bé Đức Vĩnh cũng từng khiến khán giả nức lòng với tài năng của mình ở Vietnam’s Got Talent 2015. Tạm biệt TP.HCM, Đức Vĩnh trở về cuộc sống nơi thôn quê và tiếp tục việc học.
Thỉnh thoảng, gia đình cho em tham gia các chương trình văn nghệ ở xã, huyện hoặc tỉnh để đỡ nhớ sân khấu. Mẹ Đức Vĩnh bày tỏ muốn con tạm gác lại đam mê để lo học văn hóa, vì sợ nếu cho con chạy show quá sớm, nổi tiếng quá sớm sẽ dễ đánh mất tuổi thơ.
Ngược lại với những tài năng trên, ngay sau khi bước ra từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013, với vô số lời tán thưởng, gia đình đã để “thần đồng” Phương Mỹ Chi “dưới trướng” ca sĩ Quang Lê hối hả chạy sô kiếm tiền từ tỉnh này tới tỉnh khác.
Thời điểm em bày tỏ bị khản giọng, tắt tiếng, nhiều khán giả đã lo ngại sợ em mất giọng hát vì bị “gặt non tài năng”. Chưa kể, việc bước vào showbiz sớm cũng khiến Phương Mỹ Chi phải đối diện với không ít áp lực từ phía dư luận.
Cuộc tranh cãi vẫn cứ nối dài, việc truyền hình thực tế cho ra lò biết bao tài năng và tung hê là thần đồng mỗi năm, nhưng kết thúc mỗi mùa là hết nghĩa vụ, nhường phần bồi dưỡng, phát triển tài năng về cho gia đình và xã hội.
Đương nhiên, nhà sản xuất có quyền đòi hỏi dư luận trả truyền hình thực tế về đúng chỗ của nó, tức chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần, tạo ra những ánh hào quang tạm thời cho những tài năng.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, nếu tổ chức cuộc thi âm nhạc, ban tổ chức sẽ “bắt tay” với các học viện âm nhạc, các trung tâm đào tạo để sau khi tìm được quán quân, họ sẽ trao lại quyền giáo dục và đào tạo cho các học viện nhằm giúp tài năng đó phát triển. Ban tổ chức sẽ đứng sau chịu trách nhiệm bảo trợ và các quyền liên quan cho họ trước công chúng.
Ở Việt Nam chưa làm được điều này, nhà sản xuất chỉ hướng đến lợi nhuận, còn gia đình cứ loay hoay tìm hướng đi, học văn hóa hay học nghệ thuật? Kết quả là, qua mỗi năm lại nối dài thêm danh sách những thần đồng bị lãng quên, vì không có môi trường và định hướng để phát triển tài năng.