Tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành vì người mua thiếu “mặn mà”

(PLVN) - Số lượng vụ việc bán đấu giá nhiều lần không thành hiện nay còn rất nhiều, trong đó chủ yếu là bất động sản với số tiền phải thi hành án rất lớn. Từ đó làm tăng lượng án tồn và gây ảnh hưởng tới việc hoành thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan THADS.

Khó khăn và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bán đấu giá nhiều lần không thành đều là do không có người tham gia đấu giá, trả giá. Các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành hầu hết là các bất động sản tính khả mại thấp, thậm chí nằm ở vùng sâu, vùng xa, không có đường vào bất động sản, tại khu vực không có giao dịch, đã thực hiện giảm giá và tổ chức bán đấu giá rất nhiều lần nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá.

Mặt khác, khâu thẩm định giá cũng tồn tại nhiều bất cập, kể cả thẩm định của các tổ chức tín dụng cho vay, trong đó việc đưa ra giá khởi điểm phù hợp với giá của thị trường là yếu tố quan trọng trong đấu giá tài sản. Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá trong một số trường hợp còn dựa trên cảm tính nên còn tồn tại hiện tượng các tổ chức thẩm định giá đưa ra kết quả thẩm định chưa sát với giá thị trường làm cho quá trình bán tài sản phải kéo dài và có nhiều lần giảm giá.

Việc làm thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai sau khi đã giao xong đất cho người mua trúng đấu giá cũng có một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng tham gia bán đấu giá tài sản. Nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại nhiều lần với cơ quan THADS về việc làm thủ tục về quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng đến công tác THADS nói chung, trong thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất thì việc đo vẽ lại nhiều lần cũng gây ra nhiều khó khăn, e ngại.

Số lượng người mua hạn chế nên tài sản bán nhiều lần không thành, ảnh MH
Số lượng người mua hạn chế nên tài sản bán nhiều lần không thành, ảnh MH
Việc xem tài sản thực tế trước khi mua như nhà đất cũng gặp bất lợi do người phải thi hành án (được giao sử dụng, quản lý ngay sau khi kê biên…) gây khó khăn cho khách hàng, cung cấp thông tin thiếu chính xác hoặc sau khi kê biên tài sản có thay đổi do chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thực trạng trên xảy ra là do thị trường mua bán tài sản nói chung và đối với tài sản THADS chưa có chuyển biến mạnh và tính hấp dẫn cao, đặc biệt đối với đất đai có nhiều thủ tục khá phức tạp, đặc điểm tài sản không thuận lợi. Tâm lý khách hàng hiện nay chưa “mặn mà” với tài sản thi hành án do công việc quảng bá của một số trung tâm bán đấu giá chưa hiệu quả, người đăng ký mua tài sản e ngại bởi nhiều khi đã đặt trước nhưng chấp hành viên phải ngưng bán tài sản để kiểm tra hiện trạng tài sản, thẩm định lại giá sau khi đã giảm nhiều lần… Một số thủ tục như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền mua tài sản chưa được giải quyết tốt; thủ tục giao đất, đặc biệt là cưỡng chế giao đất còn xảy ra nhiều khiếu nại hoặc quá thời hạn.

Ngoài ra, còn tình trạng một số Chấp hành viên còn chưa sát sao trong việc theo dõi tình hình tài sản kê biên hoặc kê biên theo chứng nhận quyền sử dụng đất mà không tiến hành đo vẽ, kiểm đếm theo thực tế hoặc có đi thực địa nhưng làm thiếu cụ thể, kéo dài. 

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, các cơ quan THADS cần chú trọng tới việc xem xét tính hợp pháp, uy tín của các tổ chức bán đấu giá, thẩm định giá, cần thiết thì phải thông qua hội đồng Chấp hành viên trước khi ký hợp đồng đưa tài sản ra bán đấu giá. Từ đó, góp phần rà soát lại quy trình thi hành án đúng trình tự đồng thời đảm bảo tính khả thi khi bán đấu giá tài sản. 

Các cơ quan THADS cần tăng cường làm việc, phối hợp với các tổ chức tín dụng có liên quan để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, trong đó cần đề nghị nhận lại tài sản để trừ nợ sau nhiều lần bán đấu giá không thành. Cùng với đó, cần đề nghị các tổ chức bán đấu giá tăng cường hoạt động giới thiệu, thông tin về tài sản trên nhiều loại phương tiện, phạm vi, đối tượng tiếp cận tài sản để tài sản dể được giao dịch.

Đặc biệt, Chấp hành viên cần tăng cường thực hiện giải pháp vận động người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, vận động thành viên trong gia đình, người thân của người phải thi hành án, của người có tài sản có bị kê biên, xử lý mua lại tài sản. Đối với các trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý và ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện thỏa thuận xử lý tài sản thể thế chấp, giải chấp tài sản, thỏa thuận miễn giảm nghĩa vụ trả tiền lãi. Đây là giải pháp trên thực tế trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đọc thêm