Tài sản chính đáng, sao ngại công khai?

Mong mỏi xây dựng được một công cụ pháp lý đủ mạnh để phòng chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội đã dành cả ngày hôm qua (9/11) để thảo luận về dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) với những nội dung luôn là đề tài “nóng” khi dấu hiệu tham nhũng tràn lan nhưng việc phát hiện và xử lý gần như chỉ “ném đá ao bèo”.

Mong mỏi xây dựng được một công cụ pháp lý đủ mạnh để phòng chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội đã dành cả ngày hôm qua (9/11) để thảo luận về dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) với những nội dung luôn là đề tài “nóng” khi dấu hiệu tham nhũng tràn lan nhưng việc phát hiện và xử lý gần như chỉ “ném đá ao bèo”.

Tịch thu tài sản nếu…

Đa số ĐBQH đều thừa nhận kê khai tài sản (KKTS) là một trong nhiều biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện KKTS thời gian qua, vấn đề nhiều ĐBQH quan tâm là chế tài xử lý vi phạm trong KKTS như xử lý trách nhiệm người KKTS và tài sản khi phát hiện tài sản không được kê khai, tài sản không rõ nguồn gốc… ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, “nếu có thể phải tịch thu, phải truy cứu trách nhiệm hình sự như một số quốc gia thì việc KKTS mới có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng”.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, “trong luật này phải bổ sung hành vi là nếu không chứng minh được, không giải trình được hoặc không kê khai thì phải tịch thu tài sản đó thì mới công bằng. Còn nếu không làm được thì kê khai không có ý nghĩa gì”. Thực tế cho thấy, vướng mắc chủ yếu mang tính cốt lõi hiện nay là quy định của luật về vấn đề KKTS chưa nghiêm, chưa có chế tài dẫn đến việc kê khai còn mang hình thức. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Nếu không chứng minh được, không giải trình được hoặc không kê khai thì phải tịch thu tài sản đó thì mới công bằng”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Nếu không chứng minh được, không giải trình được hoặc không kê khai thì phải tịch thu tài sản đó thì mới công bằng”.

Nên để khắc phục tình trạng này, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) đề nghị phải có chế tài đủ mạnh có tác dụng bắt buộc người kê khai phải kê khai trung thực đầy đủ tài sản thuộc quyền sở hữu của m ình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đặc biệt phải có chế tài tịch thu sung công quỹ nhà nước những tài sản cố tình che giấu không kê khai. “Quy định chặt chẽ, mạnh mẽ như vậy thì mới khắc phục được tính hình thức về KKTS, góp phần kiểm soát tài sản thuộc quyền sở hữu của người kê khai, tránh việc che dấu, phân tán tài sản” – ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

Tăng điều kiện giám sát bảng KKTS

Trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, điều khiến các ĐBQH trăn trở lớn nhất chính là “khắc phục tính hình thức”, trong đó có công khai bảng KKTS và thu nhập. Theo quan điểm của những ĐBQH đề nghị phải cho công khai bảng KKTS và thu nhập cả ở nơi làm việc và nơi cư trú của người phải KKTS, việc công khai bảng KKTS và thu nhập là để người dân nơi cư trú giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc KKTS và “cao hơn nữa quy định này sẽ nâng cao hơn lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm PCTN của Đảng và nhà nước ta” như ý kiến của ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị).

Tán thành với nhiều ĐB về qui định công khai bảng KKTS và thu nhập, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nhấn mạnh, “không có gì phải ngán ngại khi công khai tài sản có từ những nguồn thu nhập chính đáng hợp pháp của mình tạo ra. Vấn đề là cần có văn bản quy định hướng dẫn thực hiện việc công khai theo luật này sao cho phù hợp khả thi, hiệu quả, tránh hình thức”. Song cũng có ĐBQH không tán thành việc công khai bản KKTS và thu nhập ở nơi cư trú vì lo ngại cho sự an toàn tính mạng, tài sản của người phải KKTS.

Độc lập hóa cơ quan PCTN

Nhấn mạnh vai trò của hệ thống cơ quan chuyên trách PCTN, các ĐBQH cũng đã có nhiều ý kiến xung quanh việc thành lập của hệ thống cơ quan, nhưng đều thống nhất “phải đảm bảo tính độc lập, hiệu quả”. ĐB Mã Điền Cư (Quảng Nam) nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo PCTN là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó thì Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập PCTN, có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến vấn đề tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của công, dân công chức, viên chức về tham nhũng, đề nghị VKSND truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng để PCTN hiệu quả trong điều kiện tính chất, mức độ của các hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi như hiện nay.

Không tán thành quan điểm này vì “Quốc hội là cơ quan lập pháp và có chức năng giám sát các hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ”, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, nên thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước để giám sát hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra chuyên trách, đảm bảo xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm. Còn đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nên được thành lập thêm ở cả Bộ Quốc phòng cùng với các quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSNDTC như hiện nay để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Còn ĐB Vũ Xuân Trường Nam Định) thấy rằng, các cơ quan PCTN trong thời gian qua đã được tổ chức đồng bộ, có chân rết, có lực lượng từ TƯ đến cơ sở nên “chỉ cần làm sao cho tạo được điều kiện tăng cường quản lý, tăng cường về cơ chế để kiện toàn củng cố cho các cơ quan này mạnh lên. Nếu đặt vấn đề thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội như một cơ quan riêng biệt thì nó sẽ liên quan tới rất nhiều hệ thống như việc kiểm sát, điều tra, hệ thống tổ chức của cơ quan này từ TƯ đến địa phương sẽ chồng chéo và nhất là tốn kém”.

Hương Giang

Đọc thêm