Tài sản khổng lồ của 3 'ông con' khiến 'ông bố' mất chức

(PLO) - Vụ công bố Hồ sơ Panama đã khiến ông Nawaz Sharif mất chức thủ tướng Pakistan và bị cấm hoạt động chính trị. Các con trai, con gái và con rể của ông này cũng đang đứng trước nguy cơ bị tống giam vì không thể lý giải được nguồn gốc khối tài sản của gia đình.
Ông Sharif
Ông Sharif

3 nhiệm kỳ không trọn vẹn

Năm 2016, “Hồ sơ Panama” bao gồm 11,5 triệu tài liệu mật được công bố đã gây chấn động thế giới khi phanh phui cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ. Nhiều nhân vật cấp cao của các nước đã phải lao đao, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm của Pakistan lúc bấy giờ là ông Nawaz Sharif. 

Theo các thông tin được nêu trong Hồ sơ Panama, 3 người con của ông Sharif sở hữu 3 công ty vỏ bọc có tên Nescoll, Nielsen và Hangon có trụ sở tại quần đảo Virgin của Anh. Ngoài ra, họ còn có 1 một ngôi nhà ở London cùng nhiều tài sản khác ở nước ngoài. Tất cả các tài sản này đều không được nêu trong bản kê khai tài sản của gia đình ông Sharif theo đúng quy định của luật pháp Pakistan.

Thêm vào đó, Hồ sơ Panama cũng cho thấy các công ty vỏ bọc ở nước ngoài thực chất là những công ty bình phong, được các con của ông Sharif lập ra để che giấu hoặc rửa tiền thu được bất chính hoặc trốn thuế. Số tiền được chuyển tiền vào công ty này sau đó sẽ được người thân của ông Sharif sử dụng để mua các tài sản ở nước ngoài. 

Các tài liệu bị rò rỉ vì thế đã dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ dư luận Pakistan. Nhiều ý kiến đã ngay lập tức yêu cầu ông phải từ chức. Trước mũi dùi dư luận, ông này và gia đình vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc về những hành vi sai trái. Ra điều trần trước Quốc hội Pakistan tháng 11/2016, ông Sharif khẳng định số tài sản ở nước ngoài mà gia đình ông có được là do các hoạt động đầu tư ở Qatar. 

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, tròn 1 năm sau khi Hồ sơ Panama được công bố, tháng 4/2017, Tòa án tối cao Pakistan đã chỉ định một nhóm điều tra chung để điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với ông Sharif. 

Kết quả điều tra được công bố sau đó hơn 2 tháng cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 7/8/2006 đến ngày 20/8/2014, tức gần 1 năm sau khi tiếp quản chức vụ thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif vẫn giữ cương vị chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty có trụ sở tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất do chính con của ông ta đứng tên và trên sổ sách được hưởng mức lương là 2.722 USD. 

Theo kết quả điều tra, ông Sharif đã không kê khai khoản thu nhập này trong các hồ sơ đề cử ra tranh cử thủ tướng cũng như kê khai thu nhập của bản thân sau khi lên nắm quyền theo quy định.

Do đó, đến ngày 28/7/2017, viện dẫn Điều 62 trong Hiến pháp nước này, theo đó cho phép bãi miễn các nhà làm luật bị phát hiện có hành vi không trung thực, Tòa án tối cao Pakistan đã quyết định phế truất Nawaz Sharif. Trong phán quyết, tòa cấp cao nhất của Pakistan cho rằng ông Sharif không đủ tiêu chuẩn để trở thành một thành viên trung thực của quốc hội, vì vậy không thể tiếp tục giữ chức thủ tướng. Cùng với việc bị phế truất, ông Sharif cũng bị cấm tham gia hoạt động chính trị.

Ông Sharif bị phế truất khi chỉ còn gần 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ và đang được kỳ vọng có thể hóa giải được cái “dớp” không có một thủ tướng nào “ngồi” được hết nhiệm kỳ 5 năm kể từ khi nhà nước Pakistan hiện đại được thành lập vào năm 1946.

Từ trái qua: ông Sharif, con gái Maryam và con rể Safdar
Từ trái qua: ông Sharif, con gái Maryam và con rể Safdar

Bản thân ông Sharif trước đó cũng từng 2 lần được bầu làm thủ tướng của Pakistan nhưng đều “đứt gánh giữa đường”. Lần đầu tiên đắc cử thủ tướng vào năm 1990, ông làm được 3 năm thì buộc phải từ chức vì những nghi vấn không minh bạch liên quan đến hoạt động của công ty của gia đình ông. 

Năm 1997, ông Sharif một lần nữa trở thành người đứng đầu chính phủ Pakistan nhưng đến năm 1999 ông đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội và thậm chí phải ngồi tù. Vốn là một doanh nhân trước khi gia nhập chính trường nên ông Sharif nắm trong tay khá nhiều tài sản. Tại thời điểm đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ 3, tổng tài sản cá nhân của ông ước tính lên đến khoảng 16,3 triệu USD. 

Ngày 19/10/2017, một tòa án chống tham nhũng ở Pakistan đã quyết định khởi tố ông Sharif về cáo buộc tham nhũng. Tại thời điểm này, ông Sharif vẫn đang ở London, Anh để chăm sóc người vợ vừa trải qua ca phẫu thuật chữa ung thư. Sau khi bị phế truất, đến tháng 2 vừa qua, ông Sharif lại được đảng của mình bầu làm chủ tịch nhưng tòa án Pakistan ngay sau đó đã ra phán quyết cấm ông đảm nhiệm chức vụ này.

Họa vô đơn chí 

Vụ bê bối của ông Sharif không chỉ khiến ông mất chức mà còn khiến cả gia đình ông lao đao. Đặc biệt, nó đã dập đi hy vọng chính trị của con gái ông - Maryam Sharif, về sau đổi tên theo họ của chồng thành Maryam Safdar.

Sinh năm 1973 ở Lahore, bà Maryam ban đầu được giao giữ chức chủ tịch của các tổ chức từ thiện của gia đình, bao gồm Quỹ Sharif, Thành phố y khoa Sharif và Viện giáo dục Sharif. Bà này gia nhập chính trường vào năm 2012 và được giao nhiệm vụ điều hành chiến dịch tranh cử thủ tướng của ông Sharif tại cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Sau khi cha đắc cử, Maryam được bổ nhiệm là Chủ tịch chương trình thanh niên của thủ tướng. 

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm đã vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập ở Pakistan, cho rằng đó là ví dụ điển hình của vấn nạn gia đình trị đang ngày càng trở nên phổ biến. Tháng 10/2014, đảng đối lập Pakistan Tehreek-i-Insaf đã đưa vụ việc ra Tòa án cấp cao Lahore. 

Tại phiên tòa diễn ra sau đó, Thẩm phán Mansoor Ali Shah đã yêu cầu chính phủ buộc bà Maryam phải từ chức. Cũng tại phiên tòa này, nhiều ý kiến về bằng cấp của bà Maryam cũng đã được đề cập. 

Theo hồ sơ tự khai, bà có bằng Thạc sỹ văn học Anh và Tiến sỹ chuyên ngành khoa học chính trị. Song, người ta đặt nghi vấn cho rằng bằng tiến sỹ của bà này là bằng danh dự chứ không phải bằng thật. Vụ lùm xùm bằng cấp lắng xuống nhưng bà Maryam sau đó vẫn đã buộc phải từ chức theo yêu cầu của tòa.

Dù không trực tiếp giữ vị trí nào trong chính phủ nhưng con gái của ông Sharif vẫn được cho là có quyền lực khá lớn. 6 tháng trước khi Hồ sơ Panama được công bố, bà này vẫn được đề cập đến với tư cách là người thừa kế của cha. Song, con đường thăng tiến của bà Maryam đã bị đứt đoạn khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ. 

Không chỉ vậy, do bị đề cập đến trong Hồ sơ Panama nên bà này cũng đang dính vòng lao lý. Cùng với cha và các em trai, bà và chồng đều đã bị truy tố về các cáo buộc tham nhũng. Ngày 9/10/2017, khi bà Maryam cùng chồng là ông Muhammad Safdar vừa từ Anh đặt chân xuống sân bay quốc tế Rawalpindi, Pakistan, cả 2 đã bị cơ quan chống tham nhũng của Pakistan bắt giữ và bị đưa tới Cục Giải trình trách nhiệm quốc gia (NAB). 

Tòa án NAB đã ra trát bắt giữ không được cho tại ngoại đối với ông Safdar do ông này đã không xuất hiện tại tòa theo yêu cầu triệu tập tại một số phiên điều trần diễn ra trước đó. Song, vào cuối ngày, cả 2 vợ chồng họ đã được cho tại ngoại sau khi ra trình diện trước thẩm phán.

Bên cạnh con gái và con rể, các con trai của ông Sharif là Hassan và Hussain cũng đã bị khởi tố về cáo buộc tham ô. NAB đã đề nghị Bộ Nội vụ Pakistan yêu cầu Interpol ra lệnh truy nã đối với ông Hussain và Hassan  nhằm dẫn độ 2 người này từ Anh về nước sau khi cả 2 đều không xuất hiện tại tòa án theo yêu cầu nhưng Bộ trưởng nội vụ Pakistan Ahsan Iqbal – một đồng minh thân cận của ông Sharif đã không thực hiện yêu cầu này.

“Thiên đường thuế” British Virgin

British Virgin Islands (BVI) là một quần đảo với diện tích chỉ vỏn vẹn 153 km2, là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở khu vực biển Caribe nằm trong chuỗi quần đảo Virgin với các đảo trong quần đảo này được chia lãnh thổ cho cả 3 nước Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.

Tại đây doanh nghiệp được tự ý thành lập không cần khai báo chủ sở hữu, không cần có vốn pháp định. Tất cả được “tự do” đến mức dường như không có luật lệ.

Dễ thành lập, dễ duy trì hoạt động với chi phí vận hành thấp, dường như không đóng thuế lại được bảo mật thông tin cao- không ngạc nhiên khi BVI trở thành nơi hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân chuyển tài sản đến đây với các ý đồ bất minh như rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế, lập quỹ đen mà vụ “hồ sơ Panama” chỉ khui ra được một “phần nổi” của cả một “tảng băng chìm”.

Đọc thêm