Tại sao càng tăng cường quản lý thì tình hình trật tự giao thông càng bức xúc?

(PLO) - Cần giám sát một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như việc thực hiện chính sách về phòng chống bạo lực trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga: “Cần giám sát để làm rõ tại sao càng tăng cường quản lý thì tình hình trật tự giao thông càng bức xúc”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga: “Cần giám sát để làm rõ tại sao càng tăng cường quản lý thì tình hình trật tự giao thông càng bức xúc”.

Đó là những vấn đề được đề nghị đưa vào Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2018 được nhiều đại biểu nêu ra tại phiên họp của UBTVQH diễn ra ngày 22/4.

Sẽ giám sát việc phòng chống bạo lực trẻ em

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến ngày 3/4 ông đã nhận được văn bản của 64 cơ quan, kiến nghị 196 nội dung giám sát, tập trung vào 8 vấn đề, bao gồm: pháp luật; hoạt động tư pháp; kinh tế; tài chính - ngân sách; xã hội, dân tộc; văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, thể thao, du lịch; khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, công trình quan trọng quốc gia và nhóm nội dung về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, dân nguyện. Từ các kiến nghị này, Tổng Thư ký QH đưa ra 6 nội dung đề xuất để UBTV QH xem xét.

 Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhất trí với 3 đề xuất nội dung giám sát, bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp (DN) nhà nước; việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Giải thích quan điểm trên, theo bà Lê Thị Nga, vấn đề sắp xếp, cổ phần hóa DN nhà nước hiện bộc lộ nhiều điểm bất cập như tính giá trị đất, giá trị DN… có thể dẫn đến lạm dụng, vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận. “Tình hình trật tự an toàn gia thông ở nước ta hiện nay rất vấn đề. Mỗi năm 8.000 - 9.000 người thiệt mạng, số người bị thương gấp đôi nên cần giám sát để làm rõ tại sao càng tăng cường quản lý thì tình hình trật tự giao thông càng bức xúc”, bà nói. 

Ngoài các vấn đề trên, bà Nga cũng đề xuất đưa vào nội dung giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống bạo lực trẻ em sau một loạt các vụ việc bạo lực ở nhà trẻ, cơ sở mầm non và bạo lực tình dục với trẻ em gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. “Nếu không giám sát tối cao ở tầm QH thì cũng nên đặt ở tầm của UBTVQH” – bà đề xuất. 

Dẫn các báo cáo cho biết trong năm 2015 đã ghi nhận 1.717 vụ xâm hại tình dục trẻ em, năm 2016 là 1.641 vụ và chỉ trong quý I/2017 đã có 375 vụ việc được báo cáo, chưa kể những vụ việc không được trình báo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành với đề xuất này. Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội. “Đây là một vấn đề rất nóng, gây nhiều bức xúc. Giám sát thường kỳ cho thấy việc xử lý khiếu nại tố cáo xung quanh việc thu hồi đất đai còn bất cập” – bà Hải cho hay. 

Thực hiện kiến nghị giám sát ra sao?

Nhấn mạnh việc cần giám sát đối với các vấn đề gây bức xúc trong dư luận, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị chú ý đến những vấn đề liên quan đến bộ máy, tổ chức, như đội ngũ cán bộ, công chức. “Gần đây, liên quan đến tổ chức, bộ máy, nhiều nơi không kiểm tra thì thôi, kiểm tra thì đều có vi phạm” – bà nói. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị chú ý giám sát việc thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát trước đó. 

“Ví dụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng từng giám sát về xâm hại tình dục trẻ em và đã đưa ra nhiều kiến nghị nhưng thực hiện ra sao? Hay việc giải quyết khiếu nại liên quan đến thu hồi đất đai đã giám sát, đã kiến nghị nhưng việc thực hiện các kiến nghị đó như thế nào? Đây là vấn đề đang nóng. Gần đây chuyện ở Mỹ Đức, Hà Nội và có xu hướng lây lan đến địa bàn khác, vì thế nên cần quan tâm giám sát trong thời gian tới” – bà phân tích. Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng trong việc sử dụng đất hiện nay có tình trạng lãng phí rất lớn nên cần giám sát việc quy hoạch đất. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến đề nghị các nội dung giám sát việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 Trên cơ sở ý kiến của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết UBTVQH sẽ trình ra QH 5 nội dung được các đại biểu đề cập để QH chọn ra 2 nội dung giám sát tối cao và 2 nội dung giám sát ở tầm UBTVQH. 

Tại phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sáng 22/4, các ý kiến trong UBTVQH vẫn chưa đạt được sự thống nhất đối với quy định tại Điều 15 của Dự thảo Luật về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Chính phủ trình ra 2 phương án: “Các tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”; và “Các tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, DN thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH nhất trí giữ cả 2 phương án để xin ý kiến Bộ Chính trị. 

Đọc thêm