Tại sao châu Âu lại “sa lầy” trong trận chiến với Covid-19?

(PLVN) - Chỉ một tháng trước khi châu Âu bắt tay vào tranh giành khẩu trang, máy thở và bộ xét nghiệm để chống lại Covid-19, các chính phủ nói với Liên minh châu Âu rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ đã sẵn sàng và không cần phải đặt mua thêm thiết bị gì nữa.
Tại sao châu Âu lại “sa lầy” trong trận chiến với Covid-19?

Sự lạc quan biến thành chủ quan 

Đó là thông tin từ một tài liệu của EU. Đánh giá lạc quan đó hoàn toàn trái ngược với thực tế vài tuần sau đó: khẩu trang thiếu, thiết bị y tế thiếu. Giờ đây, Ủy ban châu Âu ước tính nhu cầu của các quốc gia EU cao hơn 10 lần so với thông thường.

Bên cạnh sự thiếu hụt của các thiết bị do nhu cầu bất thường toàn cầu, thì các tài liệu nội bộ và công khai mà hãng tin Reuters thu thập được cho thấy, các chính phủ Liên minh châu Âu có thể đã làm xấu đi tình trạng của họ bằng cách đánh giá quá cao khả năng đáp ứng của họ.

Một số quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết, trong một cuộc họp kín với các nhà ngoại giao từ các quốc gia thành viên vào ngày 5/2, hai tuần sau khi Trung Quốc phong tỏa gần 60 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc, tức là  gần bằng dân số Ý, thì các thành viên đều thể hiện rằng họ hoàn toàn làm chủ và có các biện pháp tại chỗ để phát hiện và xử lý Covid-19.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu bỏ lỡ cơ hội vàng để chống Covid-19.
 Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu bỏ lỡ cơ hội vàng để chống Covid-19.

Sự chắc chắn đó chỉ vỏn vẹn hai tuần trước khi xuất hiện những nạn nhân đầu tiên ở Ý, đến lúc này gần 12.500 người đã chết vì Covid-19 - gấp bốn lần số người chết ở Trung Quốc là nơi lần đầu phát hiện căn bệnh này.

Khi Reuters thắc mắc về các tài liệu cho thấy phản ứng của châu Âu quá chậm, một phát ngôn viên của Giám đốc điều hành EU cho biết: Từ tháng 1/2020, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khả năng hỗ trợ cho các quốc gia thành viên.

Sau đó, các thành viên vẫn tỏ ra chưa cần mua thêm trang thiết bị. Sau đó, do diễn tiến của dịch bệnh, sự cần thiết phải cùng nhau mua máy thở cho những bệnh nhân bị khó thở nghiêm trọng chỉ xuất hiện lần đầu tiên tại một cuộc họp của các chuyên gia y tế EU vào ngày 13/3, theo biên bản cuộc họp.

Các quốc gia EU đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn các bộ dụng cụ thử nghiệm và đưa ra kế hoạch mua sắm chung vào ngày 18/3.

EU bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình vào tháng 3/2020, nhưng thay vì tập trung vào hành động chung, nhiều người đã dùng đến các biện pháp bảo hộ, nâng cao các rào cản thương mại để cản trở việc xuất khẩu thiết bị y tế sang các nước láng giềng.

Ý vẫn chỉ có một phần trong số 90 triệu khẩu trang mà nhân viên y tế của họ cần mỗi tháng. Pháp đã đặt hàng hơn 1 tỷ khẩu trang vào tuần trước và các nhà sản xuất đang điều chỉnh dây chuyền sản xuất để chế tạo máy thở.

Phung phí cơ hội vì bối rối trước dịch bệnh

Châu Âu còn cho thấy họ bối rối khi đối mặt với dịch bệnh. Điều đó là do “châu Âu chưa trải qua bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn nào trong hơn 100 năm qua và hiện nay, họ không biết phải làm gì", theo lời chuyên gia Brice de le Vingne (Tổ chức Bác sĩ không biên giới) nhận định.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phàn nàn về việc một số quốc gia đã "phung phí cơ hội" ngăn chặn virus SARS-CoV-2 từ khi vẫn ở một vị trí vững vàng, đồng thời cho rằng, các quốc gia này lẽ ra nên hành động quyết liệt hơn từ cách đây 2 tháng, trong đó có việc thực hiện xét nghiệm diện rộng và các biện pháp giám sát mạnh mẽ hơn.

De le Vingne và các chuyên gia khác đều thừa nhận rằng hướng xử lý của châu Âu đối với dịch Covid-19 ban đầu quá lỏng lẻo và thiếu sót nghiêm trọng các biện pháp cơ bản xử lý dịch bệnh, chẳng hạn như theo dõi tiếp xúc.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cử một đội ngũ gồm 9.000 nhân viên y tế theo dõi hàng nghìn tiếp xúc tại Vũ Hán mỗi ngày.

Tuy nhiên, tại Italy, trong một vài trường hợp, các nhà chức trách chỉ yêu cầu các bệnh nhân nhớ lại những người đã tiếp xúc với họ và sau đó gọi điện thoại cho những người này để thông báo về trường hợp đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều tương tự cũng diễn ra ở Anh, trong khi các bệnh viện ở Anh có chuyên môn đáng kể trong việc điều trị cho các bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp cần chăm sóc tích cực, chẳng hạn như viêm phổi, thì lại có quá ít giường bệnh để điều trị khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh trong đại dịch.

Bác sĩ Chiara Lepora - người đứng đầu tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại điểm nóng Lodi ở phía bắc Italy cho biết đại dịch đã cho thấy những vấn đề căn bản trong hệ thống y tế của các nước phát triển. "Sự bùng phát bệnh trước đây không xảy ra ở các bệnh viện. Đó là nơi chỉ giải quyết những hậu quả của bệnh tật", bác sĩ Lepora cho biết. Điều đó tức là các bệnh viện này chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng bệnh viện có thể là nơi bùng phát và diễn ra dịch bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh tật.

Ở một phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh viện vùng Lombardy, Italy.
Ở một phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh viện vùng Lombardy, Italy. 

Các bác sĩ ở Bergamo - tâm dịch của Italy đã cảnh báo rằng hệ thống y tế phương Tây đang đối mặt với nguy cơ bị dịch Covid-19 “đánh gục” giống như những bệnh viện ở Tây Phi trong dịch Ebola năm 2014 - 2016.

Một số chuyên gia về dịch bệnh nhận định rằng các nước châu Âu đã tính toán sai lầm về khả năng ngăn chặn virus corona chủng mới. "Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một dịch bệnh mới và tốc độ lây lan của nó khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên", bác sĩ Stacey Mearns thuộc Ủy ban Cứu trợ Quốc tế nhận định.

Bác sĩ Mearns cho biết tình cảnh tuyệt vọng hiện nay trên khắp châu Âu khi các y bác sĩ cầu xin thiết bị bảo hộ y tế hay các kho lạnh được trưng dụng để chứa xác bệnh nhân là điều không thể tưởng tượng được cách đó chỉ vài tuần. Tại Tây Ban Nha, 14% trường hợp mắc Covid-19 là các nhân viên y tế trong thời điểm cam go của dịch bệnh.

"Chúng tôi có thể thấy các bệnh viện đều bị quá tải giống như những điều từng xảy ra trong dịch Ebola ở châu Phi. Chứng kiến điều này ở những nước phát triển đầy đủ về nguồn lực là điều vô cùng ngạc nhiên", chuyên gia này đánh giá.

Đọc thêm