Nói về lý do không thông qua Dự án Luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) cũng như Dự án Luật về hội như dự kiến, Văn phòng quốc hội cho biết: Qua các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cho thấy, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật nêu trên tại kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Cũng tại cuộc họp báo sáng nay, Văn phòng Quốc hội thông báo: Sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật (gồm: Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư) và 11 Nghị quyết.
Việc Quốc hội xem xét, thông qua những dự án luật, nghị quyết này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường công tác quản lý tài sản nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn đẩy mạnh thu hút người nước ngoài đến du lịch, khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó, tác động trực tiếp, tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội nước ta.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Đây là những dự án luật được nhiều cử tri đề nghị xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, đường sắt, thuỷ lợi, du lịch, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, quản lý ngoại thương, chuyển giao công nghệ… Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
"Kỳ họp thứ 2 là kỳ họp cuối năm, lại diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, đặc biệt là những thách thức ngày càng lớn; tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là tình trạng lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung xảy ra ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo." Văn phòng Quốc hội nhận định
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016 và phân tích, dự báo các khả năng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức có thể xảy ra, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới,
Đặc biệt, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án đã triển khai được một số công việc liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư… Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi về điều kiện kinh tế xã hội và trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để phát triển điện hạt nhân; mặt khác, hiệu quả kinh tế của Dự án không còn bảo đảm, giá thành sản xuất bằng điện hạt nhân cao hơn giá thành sản xuất từ năng lượng khác... nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét việc dừng thực hiện Dự án này.
Qua biểu quyết, Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ với tỉ lệ đồng thuận cao. Đồng thời yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của việc dừng thực hiện Dự án này.
Ngoài các nội dung nêu trên, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, xem xét nghiên cứu nhiều báo cáo quan trọng khác theo chương trình nghị sự. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.