Tại sao Mỹ bắt giữ nhà nghiên cứu Trung Quốc náu trong tổng lãnh sự tại San Fransisco?

(PLVN) - Tang Juan, nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội che giấu sự liên quan của cô với quân đội và đã trú ẩn nhiều tuần trong lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, đã bị chính quyền Mỹ bắt giữ.
Một bức ảnh của Tòa án Mỹ cho thấy hai hình ảnh của Tang Juan mặc quân phục. Ảnh: SCMP
Một bức ảnh của Tòa án Mỹ cho thấy hai hình ảnh của Tang Juan mặc quân phục. Ảnh: SCMP

Thông tin trên được quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ công bố với báo chí trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Sáu – 24/7, tờ SCMP cho biết.

Cụ thể, Tang Juan, một trong bốn nhà nghiên cứu bị buộc tội gian lận visa, đã bị bắt giữ vào tối thứ Năm – 23/7. Quan chức này từ chối tiết lộ chi tiết về vụ bắt giữ Tang, nên không rõ cô bị bắt hay tự nguyện giao nộp cho chính quyền.

Tình trạng của cô không được các quan chức coi là đủ điều kiện để được miễn trừ ngoại giao. Tang Juan bị bắt giữ ở San Francisco, còn các cáo buộc về gian lận visa thì được đưa ra ở Sacramento.

Trong một phiên tòa chưa được công bố chi tiết đã diễn ra vào ngày 20/7 vừa rồi, các công tố viên cho hay, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) nhận định sau cuộc phỏng vấn vào ngày 20/6, Tang đã đến lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, và cáo buộc chống lại cô được đưa ra vào ngày 26/6.

Cờ Trung Quốc tại Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Fransisco, Mỹ.
 Cờ Trung Quốc tại Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Fransisco, Mỹ.

Theo các tài liệu của tòa án, Tang đã vào Mỹ vào tháng 12/2019 bằng visa trao đổi giáo dục để tiến hành nghiên cứu điều trị ung thư tại Đại học California, nhưng cô đã giấu giếm quan hệ của cô với quan đội trong đơn xin thị thực.

Cô đã phủ nhận với các đặc vụ FBI về việc cô đã phục vụ trong quân đội và nói rằng cô không hiểu ý nghĩa của phù hiệu quân sự trên các bộ đồng phục khác nhau mà cô được chụp trong các bức ảnh được phát hiện trong các cuộc điều tra của chính quyền.

Các tài liệu nguồn mở được tham chiếu trong các tài liệu của tòa án mô tả Tang là một nhà nghiên cứu liên kết tại một trường đại học y liên kết với Không quân Trung Quốc.

Việc bắt giữ Tang được đưa ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi nhanh chóng, đánh dấu bằng các mệnh lệnh ăn miếng trả miếng đóng cửa  các cơ sở ngoại giao quan trọng của hai nước.

Chính quyền Mỹ cáo buộc rằng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đóng vai trò là trung tâm chỉ huy cho các hoạt động gián điệp, ra tối hậu thư đóng cửa trước 4 giờ chiều ngày thứ Sáu – 24/7. Điện thoại và email đến lãnh sự quán chiều thứ Sáu đã không được trả lời. Các hãng tin địa phương, như Houston Chronicle, đưa tin có một chiếc xe tải lớn đậu bên ngoài tòa nhà với các công nhân đeo khẩu trang tại thời điểm gần đến hạn.

Trong cuộc họp ngắn ngày thứ Sáu – 24/7, quan chức Bộ Tư pháp đã mô tả hành vi bị cáo buộc tại lãnh sự quán là vụ phạm pháp, nhưng cho hay chính phủ không thể truy cứu hình sự do quyền miễn trừ ngoại giao của các nhân viên lãnh sự.

Trung Quốc đã trả đũa bằng việc yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô.

Một số trường hợp mà Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng có quan hệ với chính phủ Trung Quốc:

*Song Chen bị buộc tội nói dối về việc cô là quân nhân quân đội Trung Quốc khi tiến hành nghiên cứu y tế tại Đại học Stanford.

* Công dân Singapore tên là Jun Wei Yeo (Dickson Yeo) bị buộc tội hoạt động bất hợp pháp với tư cách là một đặc vụ nước ngoài từ năm 2015 đến 2019. Theo tài liệu của tòa án, Yeo đã trả tiền để thu thập thông tin về chương trình máy bay quân sự F-35B.

* Vào tháng 6, một nghiên cứu sinh Đại học tên là Wang Xin  đã bị bắt trong khi cố gắng rời khỏi Mỹ. Ông đã bị buộc tội gian lận visa. Theo thông tin của FBI, Wang là Thiếu tá quân đội Trung Quốc và vẫn được hưởng lương từ quân đội. 

Cả ba người Song, Yeo và Wang đều đang bị Mỹ giam giữ.

Đọc thêm